Đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh, phát triển trên ấu trùng của sâu bướm (sâu non).
Vào mùa đông, khi các ấu trùng sâu bướm vùi mình vào lớp đất để ngủ đông (đông trùng) tạo cơ hội cho loài nấm Cordyceps sinensis xâm nhập và ký sinh. Đến mùa hè (mùa hạ) loài nấm này sẽ phát triển mạnh mẽ, hút hết các chất dinh dưỡng bên trong ấu trùng và vươn dài cơ thể giống với hình dáng các loài thực vật (hạ thảo). Đây là lý do vì sao, dược liệu này có tên gọi là đông trùng hạ thảo.
Anh Ngô Kim Quyền, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) thành công với ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo |
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, trường Đại học Lâm nghiệp, anh Ngô Kim Quyền, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã thành công với ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo, một trong những thảo dược quý có giá trị kinh tế cao.
Từ bỏ công việc Nhà nước ổn định để tập trung nghiên cứu sinh học, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay anh Quyền đã sở hữu hệ thống nhà xưởng với diện tích khoảng 100 m2, cùng máy móc hiện đại trị giá gần 700 triệu đồng. Anh Quyền chia sẻ, nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt với các yếu tố về hệ thống cơ sở vật chất phải đảm bảo vô trùng, thao tác trong quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh. Thời gian sau khi cấy giống đến khi thu hoạch thành quả là 2 tháng. Giá thể nấm - môi trường sống của đông trùng hạ thảo được tạo từ thành phần chính là gạo, nhộng tằm và khoai tây. Qua quá trình hấp khử trùng, làm nguội được cấy giống nấm đông trùng hạ thảo. Nấm được nuôi trong môi trường dinh dưỡng từ 3 - 5 ngày trước khi được cấy vào giá thể dinh dưỡng hữu cơ. Sau 5 - 7 ngày ủ, tơ nấm màu trắng lan rộng hết bề mặt giá thể thì đưa qua môi trường nuôi sáng từ 2 - 2,5 tháng, nhiệt độ tối ưu từ 18 - 22oC, độ ẩm 85 - 90%.
Sau khi nghiên cứu ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào quá trình nuôi cấy ĐTHT, theo quy trình sản xuất, mỗi tháng, xưởng của gia đình anh Quyền sản xuất thành công từ 3.000 - 5.000 hộp, ước đạt 1 tạ ĐTHT. Sản lượng cung cấp ra thị trường bình quân từ 50 - 60 kg, giá thành dao động từ 3 - 5 triệu đồng/kg, doanh thu ước đạt từ 80 - 100 triệu đồng/tháng. Để xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, anh Quyền chủ động liên kết cung cấp sản phẩm cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội zalo, facebook... Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở để mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Anh Quyền chia sẻ thêm, thời gian tới, mong muốn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ hộ kinh doanh hoàn thiện để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hướng đến mục tiêu hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP theo quy định.
Võ Thu Thủy thu được tiền tỉ mỗi năm nhờ nuôi đông trùng hạ thảo |
Giống như anh Quyền, chị Võ Thu Thủy (30 tuổi, ở thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, H.Núi Thành, Quảng Nam) cũng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tốt nghiệp ĐH năm 2016, Thủy xin vào làm ở Công ty nông - lâm nghiệp và môi trường VN ở tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, nữ kỹ sư được tiếp cận với công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo một cách bài bản, hiện đại. Sau 2 năm làm việc, Thủy trở về Quảng Nam hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính quê hương.
Với số vốn vay mượn từ bạn bè và người thân, đầu năm 2019, Thủy đầu tư mua máy móc, lắp đặt phòng nuôi cấy, liên hệ các nguồn nguyên liệu để bắt tay vào thành lập riêng một cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo mang tên Duy Lợi với tổng diện tích hơn 100 m2 tại mảnh đất của gia đình. Trong đó có một phòng làm giống, hai phòng nuôi cấy, một khu chuẩn bị môi trường và một khu đóng gói.
Thủy cho biết cơ sở của chị sử dụng nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa... để nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trong khoảng 5 - 7 ngày. Sau khi sợi tơ lên đầy hộp sẽ bắt đầu vào phòng nuôi sáng. Tại phòng nuôi sáng, sẽ nuôi ở nhiệt độ khoảng 18 - 20 độ C, độ ẩm tầm 85 - 88%. Sau khoảng 80 - 85 ngày sẽ thu hoạch sản phẩm. Trong suốt thời gian đó, phải đảm bảo cho phòng nuôi luôn ở trạng thái vô trùng để nấm không nhiễm bệnh và thường xuyên theo dõi để kịp thời tách, xử lý hũ bị hư hại, tránh lây lan sang các hũ nấm khác.
Sắp tới, cơ sở sẽ chủ động nguồn tảo vì hiện tại tảo phải mua về, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Đồng thời, sẽ sản xuất tảo xoắn spirulina, vừa làm đông trùng hạ thảo vừa xây dựng sản phẩm kinh doanh trên thị trường. Các sản phẩm đưa ra thị trường ngoài sấy khô thì còn đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, ngâm rượu và nước thảo dược đông trùng hạ thảo táo đỏ.
Hiện mô hình của cô kỹ sư sinh học nuôi đông trùng hạ thảo đem lại doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.