Trào lưu ăn măng vầu gây "sốt" mạng xã hội, chuyên gia cảnh báo gì? Bác sĩ cảnh cáo "trào lưu" uống thuốc phòng đột quỵ của Hàn Quốc Bác sĩ cảnh báo về trào lưu ăn trứng cút cả vỏ |
Uống nước cốt chanh để chữa "bách bệnh"
![]() |
Chia sẻ của một người về việc uống hàng trăm ml nước cốt chanh mỗi ngày. |
Sau khi trào lưu thải độc bằng cà phê tạm lắng, “cơn sốt” uống nước muối mỗi ngày cũng bị bác bỏ, thì những ngày vừa qua các trang mạng xã hội lại lan truyền thông tin về việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng để chữa "bách bệnh". Bài thuốc đang lan truyền trên mạng xã hội này được hướng dẫn, có thể sử dụng được cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Để minh chứng điều này, một số người còn chia sẻ hình ảnh, video thực hiện để nhiều người tin tưởng hơn.
Cụ thể, trên Facebook cá nhân, một tài khoản tự xưng là bác sĩ Ch. thông tin: "Chanh khi vào cơ thể chuyển hóa thành kiềm và kiềm hóa cơ thể rất mạnh. Chanh giúp giảm lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp". Tài khoản này còn khẳng định "nên uống nước cốt chanh khi bụng rỗng. Chanh giúp gan, thận, mật và đường ruột thải độc mạnh".
Một tài khoản trên TikTok thì chia sẻ: “Không ăn sáng vẫn khỏe nhưng ăn sáng bằng chanh còn khỏe hơn”. Theo đó, người này thường xuyên uống 300 - 400ml nước cốt chanh (6 - 7 trái chanh) mỗi sáng khi bụng đói và không ăn gì cho tới bữa trưa. Lý do được người này đưa ra là chanh chứa axít nhẹ, khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp muối khoáng biến thành kiềm giúp cơ thể khỏe mạnh.
Tương tự, một tài khoản nữ cũng cho rằng, uống nước cốt chanh buổi sáng có tác dụng thải độc. Những bệnh nhân mắc bệnh gan, ung thư, sỏi thận, tiểu đường, viêm phế quản, viêm khớp, viêm tai, vô sinh… nhất thiết phải uống nước chanh để tăng cường đề kháng.
Một tài khoản tự xưng là “lương y” còn khẳng định, chanh không những không gây đau dạ dày mà ngược lại còn có thể chữa căn bệnh này. Bởi chanh khi đi vào cơ thể chuyển hóa thành kiềm nên giúp cân bằng a xít dạ dày.
Ngay sau khi chia sẻ, thông tin trên đã lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội và được nhiều người làm theo. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm này là vô cùng nguy hiểm xét cả dưới quan điểm, góc nhìn khoa học hiện đại và y học cổ truyền.
Đề cập đến trào lưu uống nước chanh, bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, không thể phủ nhận rằng chanh là một loại quả có rất ít calo nhưng lại giàu vitamin C. Đặc biệt trong một quả chanh có tới 18,6mg vitamin C - khoảng 21% lượng khuyến nghị vitamin C hàng ngày.
Tuy nhiên bác sĩ Hồng cho hay nếu uống nước chanh sai cách có thể gây nhiều hệ lụy. Chẳng hạn uống quá nhiều chanh, uống nước cốt chanh không pha loãng hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng… Ngoài ra, axit citric trong chanh có thể làm mòn men răng khiến răng nhạy cảm, ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng. Chanh cũng có thể khiến các vết loét trong miệng đau và lâu lành hơn. Chanh có chứa axit amin tyramine, do đó, khi uống quá nhiều nước chanh sẽ gây dư thừa loại axit này và khiến máu đột ngột dồn lên não gây ra các cơn đau nửa đầu. Uống quá nhiều nước chanh cũng có thể gây tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải, ảnh hưởng xấu tới huyết áp và chức năng thận.
Đồng quan điểm, BSCKI Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng, nước chanh chỉ an toàn khi dùng đúng cách. Người dân khi ăn chanh nếu cảm thấy khó chịu hãy ngừng ăn. Không nên ăn chanh khi đói bụng. Khi uống nên pha loãng, tỷ lệ 1/4 đến một nửa quả chanh với một cốc nước và một chút đường thường có hiệu quả mà không quá chua. Sử dụng nước ấm sẽ nhẹ nhàng hơn với dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa. Đối với những người vốn đã có sẵn các vấn đề về dạ dày như: viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày - thực quản, tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói, tốt nhất nên uống sau khi ăn no khoảng 30 phút, cần pha loãng với nhiều nước ấm để giảm nồng độ acid.
"Chữa bệnh" bằng nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai
![]() |
Một số người tin rằng nhỏ chanh vào mắt có thể trị lẹo. |
Ngoài việc “khuyên” nhau uống nước chanh khi bụng rỗng, nhiều người thậm chí còn truyền tai nhau cách nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để chữa bệnh! Cụ thể, một người dùng mạng xã hội chia sẻ: "Dùng nước cốt chanh chữa các thể loại liên quan đến mắt 1 - 2 ngày là khỏi", hoặc nhỏ vào mũi, tai của trẻ để trị các bệnh viêm mũi dị ứng, ho. Một số người nêu cảm nhận khi nhỏ vào các bộ phận này tuy "rất xót", song khẳng định giúp "dịch tuôn ra, mũi thông thoáng, mắt sáng, đỡ nghễnh tai".
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội cho biết, bản thân ông cảm thấy giật mình khi nghe thông tin nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi và tai để chữa bệnh. “Giữa thời buổi người ta có đủ điều kiện để tìm hiểu, tra cứu, hỏi han thầy thuốc, vậy mà vẫn có người tin rằng thứ nước chua gắt, mạnh như axit ấy lại có thể nhỏ vào những vùng nhạy cảm nhất trên cơ thể.
Tôi cứ nghĩ, ai từng vắt chanh mà để nước bắn vào mắt chắc cũng hiểu cảm giác rát đến nhường nào. Ấy vậy mà có người không chỉ “lỡ trúng” mà còn “cố tình nhỏ vào”, với niềm tin rằng “chua là sạch, cay là sát khuẩn, tự nhiên là lành”. Nghĩ mà thấy xót – không chỉ cho mắt, mũi, tai của bà con, mà xót cả cho sự hiểu lầm tai hại giữa cái gọi là “tự nhiên” và “tự ý”, lương y Đỗ Minh Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, trong y học cổ truyền chanh có vị chua, tính mát, có tác dụng giải khát, tiêu thực, sinh tân, có thể hỗ trợ tiêu hoá hay giải nhiệt trong một số trường hợp như dùng để làm nước uống (giải khát) hay làm gia vị. Tuyệt đối không đưa thẳng vào những nơi nhạy cảm, dễ tổn thương, như mắt, mũi, tai. Thực tế có rất nhiều mẹo dân gian quý, từng giúp nhiều người chữa được bệnh nhẹ trong hoàn cảnh thiếu thuốc. Tuy nhiên, mẹo chữa bệnh phải có lý, có sự trải nghiệm, có truyền thống y lý nâng đỡ, chứ không phải thứ do một ai đó tự nghĩ ra rồi lan truyền vô tội vạ. Do vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, người dân phải tỉnh táo, cập nhật kiến thức khoa học để để tự bảo vệ mình trước thông tin không chính thống.
Bác sĩ Phí Thùy Linh - Trưởng đơn nguyên Mắt (một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội) cảnh báo, việc nhỏ nước cốt chanh vào mắt tiềm ẩn nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Nguyên nhân là do nước cốt chanh chứa nhiều acid thực vật, khi nhỏ vào giác mạc sẽ gây bỏng và thực tế đã có trường hợp bỏng giác mạc chỉ sau một lần tiếp xúc với acid thực vật. Với việc nhỏ vào tai hay mũi cũng rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ tổn thương như viêm tai giữa, giảm thính lực, viêm phổi. Bình thường, cơ thể luôn có cơ chế tự bảo vệ niêm mạc như mũi hoặc tai, nhưng khi nhỏ nước cốt chanh vào, acid sẽ phá hủy lớp bảo vệ này khiến có virus dễ dàng xâm nhập, tăng nguy cơ biến chứng.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, việc nhỏ chanh vào mắt không phải phương pháp khoa học, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc làm này có thể chữa được bệnh. Theo đó, nước chanh có tính axit cao so với môi trường tự nhiên của mắt nên khi nhỏ trực tiếp vào mắt sẽ gây kích ứng cao như đau rát, ảnh hưởng đến giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng,….
Bác sĩ Như khuyến cáo, trong sinh hoạt hàng ngày, loại nước duy nhất nhỏ được vào mắt đó là nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để làm sạch mắt hoặc loại bỏ dị vật rơi vào mắt. Trường hợp, mắt có vấn đề, bệnh lý cần phải được thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Tuyệt đối không tự ý nhỏ các loại thuốc, dung dịch hay các loại nước vào mắt, nhất là việc học theo các thông tin lan truyền trên mạng xã hội.