![]() |
Gốc lựu quả hơn 200 năm tuổi được khách Hồng Kông trả giá 2,6 tỷ đồng |
Ông Lê Văn Minh, chủ một vườn cây cảnh ở Sapa (Lào Cai) là người sở hữu cặp lựu cổ 200 năm độc nhất vô nhị hiện nay.
Một cây lựu quả có tuổi đời 200 năm, một cây lựu hạnh cũng đã trên 100 tuổi của một đại gia Sapa có tiếng trong giới chơi cây cảnh đang được khách trả tới hơn 6 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Ông Minh cho biết, lựu thường được chia làm 2 loại là lựu hạnh và lựu quả. Với lựu quả thì người ta thường chơi quả, lấy quả ăn với đặc điểm là hoa đơn, nhỏ, đường kính chỉ tầm 3-4cm, nhìn không đẹp nhưng quả lại khá to.
Trong khi, lựu hạnh là lựu chơi hoa với đặc điểm hoa màu đỏ khá to, đường kính bông hoa thường từ 8-9cm. Đặc điểm, lựu hạnh chỉ chơi hoa nên cành lựu hạnh thế võng rất đẹp.
So với cây lựu quả thì lựu hạnh hiếm hơn rất nhiều. Bởi, lựu hạnh có đường kính gốc trên 10cm thường được thương lái Trung Quốc thu mua đem về nước. Theo đó, ở các vùng miền, nhà nào may mắn còn giữ lại những cây lựu hạnh vài chục năm tuổi với đường kính gốc khoảng 5-8cm. Tuy nhiên, số này cũng không còn nhiều.
![]() |
Cây lựu hạnh trên 100 tuổi được khách trả tới 3,5 tỷ đồng |
Chỉ vào hai gốc lựu trong vườn của mình, ông Minh tiết lộ, cây lựu hạnh của ông có tuổi đời đã trên 100 năm, đường kính gốc lên tới 29cm. Còn cây lựu quả gốc khủng hơn nhiều vì đã trên 200 tuổi.
“Đây là cặp lựu cổ ít người có. Khách Hồng Kông và Trung Quốc cứ vài tháng lại sang hỏi mua một lần với giá lên tới 6,1 tỷ đồng nhưng tôi đều lắc đầu không bán”. Ông tiết lộ, không bán không phải vì họ trả giá thấp mà vì ông thích giữ lại, không phải vì tiền nhiều mà bán cho khách Trung Quốc hay khách nước ngoài.
Theo ông Minh, sau này có thể ông sẽ bán 2 cây lựu cổ cho khách chơi người Việt Nam, còn hiện giờ 2 cây lựu cổ này vẫn được trồng trong góc vườn, ông đang tìm mua chậu cảnh cổ để đánh cây đưa vào trồng trong chậu chơi.
![]() |
Vận chuyển lựu khổng lồ về nhà vườn ở Sài Gòn |
Cùng có niềm đam mê với cây lựu cảnh, anh Võ Duy Khánh, 36 tuổi, trú P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM đang sở hữu 2 cây lựu cổ thụ hơn 100 năm tuổi.
“Tôi mua vì sở thích cá nhân và cho bạn bè trong hội đam mê cây cảnh ghé thăm và thưởng lãm. Lựu đại thụ mà tôi sở hữu có tuổi đời hơn 100 năm, từ Ấn Độ. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ tìm được những cây có tuổi đời lớn hơn nữa”, anh Khánh nói.
Anh Khánh từng có thời gian làm việc trong công ty về nông nghiệp, thực hiện chuyển giao công nghệ trồng nhiều giống cây ở vùng Nam Mỹ, do đó được tiếp xúc với ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia. Với đam mê những cây độc lạ, anh Khánh quan tâm tìm kiếm những cây lựu cổ thụ.
Săn những cây lựu khủng không phải là điều dễ dàng. Nhờ sự kết nối của các đồng nghiệp ở nước ngoài, anh Khánh được giới thiệu nguồn gốc của giống lựu, rồi dần dần tìm ra những cây lớn và cây cổ thụ.
![]() |
Anh Khánh và 1 cây lựu đại thụ hơn 100 năm tuổi |
"Lựu cổ thụ đã trồng chậu lâu năm, để vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, họ đóng gói rất cẩn thận nhằm tránh tình trạng gãy những chi cành chính. Về đến Việt Nam, cây vẫn còn tươi xanh, không bị ảnh hưởng gì nhiều”, anh Khánh nói.
Anh Khánh không tiết lộ giá trị cây lựu cổ thụ vì cho rằng giá trị về lịch sử và tinh thần là quan trọng hơn.
“Lựu Ấn Độ có hoa đỏ, trái đỏ với mỗi trái nặng hơn 2 kg, to như đèn lồng, hạt lựu bên trong cũng đỏ như những viên ruby, tàng cây, thân cây rất bề thế, dáng thế bộc lộ được sự trường tồn. Người Phương Đông chú trọng phong thủy, mong muốn sự trường tồn và thịnh vượng trong kinh doanh lẫn cuộc sống nên dù sở hữu vườn cây cả chục tỉ đồng vẫn muốn có một cây lựu cổ thụ như vậy”, anh Khánh nói.