Thứ rau được xem là "lộc trời" của vùng đất Tây Nguyên |
Cứ đến tháng sáu vào cái mùa khô nóng bức, rau dầm tang lại ẩn mình dưới những dòng suối. Loại rau này chờ đợi cho đến tận mùa mưa mới lại cựa mình vươn dậy. Những mầm rau màu xanh biếc, vươn dài, hứng lấy khí trời sau khi tích tụ được đầy đủ những dưỡng chất của đất mẹ.
Thứ rau đặc sản của Tây Nguyên nhưng vẫn luôn luôn xuất hiện trong bữa cơm gia đình của đồng bào dân tộc nơi đây. Loại rau này có vẻ ngoài mềm mỏng, nuột nà hơn những thứ rau khác, vẻ đẹp mà có lẽ không một loại rau rừng nào có được. Cọng rau mảnh khảnh và cũng rất dễ gãy, lá thì như lá rau răm nhưng lại mang trong mình một hương vị riêng, ngọt bùi khó cưỡng, khó tả vô cùng.
Rau dầm tang không được dùng để ăn sống như bất kì loại rau rừng nào khác. Rau này phải được nấu lên, đặc biệt là nấu nhừ cùng với nhiều loại thực phẩm khác. Những loại thực phẩm được nấu cùng với loại rau này là măng le, củ mài, và các loại nấm.
Khi nếm thử món rau đặc sản này, ta sẽ cảm thấy vị bùi bùi nơi đầu lưỡi, nhưng nhai kĩ lại thấy thấm ngọt ở nơi cổ họng. Nhiều thực khách lên tham quan quan và ăn thử thứ rau này còn nhận xét rằng loại rau này giống như cây cải ở dưới miền xuôi vậy. Một khi nếm thử món rau dầm tang sẽ nếm được đầy đủ hương vị ngọt bùi của núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn.
Rau chính là món quà của thiên nhiên ban tặng cho bà con Tây Nguyên. Rau dầm tang – ngọt bùi hương vị Tây Nguyên núi đồi quả thật rất chính xác. Loại rau này cũng được xem như là một loại gia vị độc đáo, nấu với bất cứ rau, thịt, thú rừng đều rất ngon.
Gỏi dầm tang |
Tùy theo từng món ăn, hương vị khác nhau mà lượng rau được cho vào cũng nhiều hoặc ít. Nếu bạn nấu canh cá suối, thì chắc chắn rằng muốn món canh được thơm ngon thì chỉ cần thái nhỏ khoảng 1 nắm rau bỏ vào là tuyệt vời vô cùng. Ngoài ra rau dầm tang có thể xào rất ngon, luộc chấm muối vừng, muối lạc…Mỗi cách chế biến loại rau đặc biệt này sẽ giúp du khách thưởng thức thơm ngon hơn.
Bà H’Ngin Niê (buôn Alê A, TP Buôn Ma Thuột), người chuyên đi mua các loại rau rừng của người bản địa, cho biết cứ theo mùa, có rau quả gì của người bản địa bà đều mua đem ra sạp hàng của gia đình để bán hoặc bỏ mối cho các nhà hàng. Mỗi bó lá khổ qua 10.000 đồng, một bịch lá bép 4.000 đồng là đủ cho một bữa ăn của một gia đình bốn người.
Ngoài ra, lá bép, lá khổ qua hay lá dầm tang đều có thể nấu canh, xào với cá cơm khô, cá hấp ăn rất ngon. Tuy nhiên, lá dầm tang chỉ mọc trong rừng, ngay cả người địa phương cũng không trồng được.
Bà H’Ngin Niê cho biết trước đây còn nghèo, bà con thường chỉ luộc cà đắng, lá bép, lá khổ qua và chấm với muối ớt do người bản địa chế biến, không cầu kỳ như bây giờ. Muối ớt của người đồng bào được làm từ nhiều thứ rau, lá khác nhau nhưng cơ bản phải có muối hột, củ nén (hành tăm), củ hành tươi, ngò gai, ớt xiêm, sả… “Món muối ớt đặc trưng của nhà nghèo ấy nay nhiều nhà hàng đã học và làm cho khách hàng ăn, nhưng chỉ hơi giống thôi chứ không hoàn toàn đúng vị” - bà H’Ngin Niê nói.
Chị H’Zin (buôn Alê A) nói những món ăn như lá bép, lá khổ qua, cà đắng là món ăn thông dụng của gia đình chị. Cuộc sống hiện nay bớt khó khăn hơn và người bản địa cũng học người Kinh cách nấu các đặc sản bản địa kết hợp với cá hộp, um với ếch, làm gỏi… để ăn và thấy cũng rất ngon.
Còn Mí Diếp ở buôn Bông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) cho biết cà đắng, đọt mây, lá bép… là món ăn đặc trưng của đồng bào nhiều đời nay và dần cũng có những cách chế biến khác nhau để thưởng thức.
Ví như quả cà đắng thì chẻ ra làm tư, ngâm muối một lúc rồi nấu nhừ với cá, thịt đều được. Còn lá mì (sắn) trước khi xào phải dùng tay vò (hoặc đập) cho thật nát để bớt đi mùi hăng hắc, đến khi ăn mới có vị béo và ngai ngái đắng. Với đọt mây, người ta chọn những đọt non tơ, bụ bẫm mang về tước bỏ phần vỏ lá, sau đó nướng lên cho mềm rồi nấu với nhiều loại thực phẩm khác như cá, thịt, mắm cùng lá bép và bột gạo, hoặc xé nhỏ từng sợi để làm gỏi gà, khô nai, khô mực đều được.
Cầu kỳ hơn thì luộc lên cho bớt đắng, sau đó cắt nhỏ như hạt lựu hầm với các loại thịt, cá hộp, cá hấp... ăn đều rất ngon.
Những năm gần đây, những món ngon từ rau dầm tang được đưa vào thực đơn của các nhà hàng. Du khách đến với Tây Nguyên đều tìm để thử rau dầm tang.
"Dầm tang rất được lòng du khách, nhưng thứ rau này không mua được nhiều, lại khó bảo quản nên ai muốn ăn hay mua về cho người thân phải đặt trước và đúng mùa mới mua được", chủ một nhà hàng ở Buôn Ma Thuột chia sẻ.
Ở chợ quê hay các nhà hàng, dầm tang được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg và rất được ưa chuộng.
Có thể thấy rằng, rau dầm tang chính là một phần không thể thiếu đối với bà con Tây Nguyên và đang vươn ra trở thành đặc sản đặc trưng của vùng đất này.