Anh Lợi dự định mở rộng diện tích cây rẻ quạt |
Từ diện tích đất trồng màu kém hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây rẻ quạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2020, vườn rẻ quạt đầu tiên trên mảnh đất Nghĩa Đàn của hộ anh Lê Văn Khương, ở xóm Sình, xã Nghĩa Thành phát triển tốt, cho thu nhập cao nên nhiều người đến tham quan, học hỏi…
Một trong những gia đình sau khi đi tham quan đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 sào đất mía kém hiệu quả sang trồng cây rẻ quạt là anh Vũ Văn Lợi ở cùng xã. Anh Lợi cho biết, cây rẻ quạt khá dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, không sâu bệnh, năng suất cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác.
"Loại cây dược liệu này khi trồng chỉ cần bón phân chuồng, tưới nước giếng, nước khe suối vẫn sinh trưởng. Cây rẻ quạt có đầu ra dễ dàng, giá cao và hợp lý. Cây trồng trong vòng 18- 24 tháng sẽ cho thu hoạch phần củ để làm dược liệu. Mỗi ha có thể đạt năng suất 3 tấn củ, với giá bán 240.000-260.000 đồng/kg", anh Lợi cho biết.
Quả, thân, lá, rễ cây rẻ quạt đều được dùng làm thuốc |
Cây rẻ quạt là loại thân thấp, tập trung phát triển phần rễ. Lá rẻ quạt hình mác dài 20-40cm và rộng khoảng 2-3cm. Phiến lá dài, gân lá song song nhau. Thông thường lá bao bọc thân từ dưới lên trên, càng lớn lá tách và tỏa ra ngoài, giống hình chiếc quạt, nên người ta gọi là cây rẻ quạt.
Cây rẻ quạt rất dễ sống trong tự nhiên. Với mục đích chữa bệnh, người ta thường lấy phần thân và củ của cây để điều chế thành các loại thảo dược.
Theo anh Lợi, đất trồng cây rẻ quạt phải là loại đất tơi xốp, màu mỡ, đặc biệt thoát nước tốt. Tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối, không nên tưới vào lúc giữa trưa.
"Quả, thân, lá, rễ cây rẻ quạt đều được dùng làm thuốc. Khi trồng, nếu phát hiện cây rẻ quạt có sâu bệnh thì phải trồng tách, nhiễm bệnh nặng quá mà phải phun thuốc sâu đặc trị thì cũng phải chọn loại thuốc hữu cơ, thân thiện với môi trường. Điều quan trọng nhất khi chăm rẻ quạt là nên dùng phân hữu cơ như phân chuồng, phân ủ hoai mục để cây phát triển nhanh nhất", anh Lợi nói.
Đến nay, toàn xã Nghĩa Thành trồng được hơn 10ha cây dược liệu này, chủ yếu tập trung ở xóm Sình. Cây rẻ quạt có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tiêu đờm. Cây rẻ quạt là một cây đặc trị các bệnh đường hô hấp trên như viêm đau họng, viêm thanh quản, viêm amidan, ho, khó thở, nhiều đờm…
Sau khi được thu hoạch, cây rẻ quạt sẽ được phơi khô |
Chị Nguyễn Thị Sở, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Thành cho biết: "Năm 2020, gia đình anh Khương là hộ đầu tiên đi học tập mô hình trồng rẻ quạt ở huyện Diễn Châu. Sau một năm trồng thấy hiệu quả, đã có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích rau màu sang trồng giống cây này. Theo tính toán của người dân, mỗi ha sau khi trừ các chi phí cũng được hơn 400 triệu đồng.
Đến nay, vườn cây phát triển tốt, giá cả đầu ra ổn định. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con nhân rộng mô hình, đặc biệt là với diện tích đất đồi kém hiệu quả trên địa bàn xã".
Thành công của mô hình trồng cây rẻ quạt sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, vừa góp phần đa dạng hóa cây trồng, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Cây rẻ quạt còn có những tên gọi khác như xạ can hay lưỡi đồng... Tên khoa học là Belamcanda sinensis DC, thuộc chi lay ơn với đặc điểm nổi bật là phần lá mọc bó với nhau từ gốc đến ngọn. Rẻ quạt có xuất xứ ở miền Bắc Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng đã được du nhập về Việt Nam từ rất lâu đời. Cây rẻ quạt thường mọc hoang dại, phổ biến ở các vùng ven rừng, ven sông, đồi núi thấp. Tại Việt Nam, rẻ quạt xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội hoặc ở một số tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Cà Mau... Cây rẻ quạt được thu hái quanh năm, chủ yếu là lấy lá, thân và rễ cây để làm dược liệu chữa bệnh. Khi hái, người dân sẽ cắt phần lá và rễ cây, sau đó đem rửa sạch để loại bỏ đất cát và ngâm qua nước vo gạo khoảng 1 ngày đêm để loại bỏ độc tố. Cuối cùng, người dân tiến hành thái mỏng để phơi khô và bảo quản dùng dần. |
Hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý 1 tỷ đồng/dự án |
Dược liệu Cự Nẫm tìm đường chinh phục thị trường quốc tế |
Trồng cây dược liệu tía tô, kinh giới, cà gai leo... cả thôn khấm khá |