Các đại biểu dự hội nghị. |
Chiều 25/1, tại hội nghị đánh giá, kết quả thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Cà Mau năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã công nhận và trao chứng nhận cho 26 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh năm 2023.
Theo đó, Chương trình OCOP tỉnh Cà Mau đến nay đã trải qua 4 năm thực hiện, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương cũng chủ động triển khai một cách hiệu quả, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên/64 chủ thể (có 109 sản phẩm đạt 3 sao, 29 sản phẩm đạt 4 sao) của 64 chủ thể, ngoài ra, có 18 sản phẩm đã hết hạn công nhận và đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại trong năm 2024. Với số lượng sản phẩm OCOP nêu trên, tỉnh Cà Mau xếp thứ 8/13 tỉnh khu vực ĐBSCL.
Tại Hội nghị, Cơ quan thường trực - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024. Các địa biểu tham dự Hội nghị cũng đã có ý kiến thảo luận, góp ý và đề xuất các giải pháp, cách làm hay, biện pháp tháo gỡ khó khăn tiếp tục thực hiện Chương trình…
Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá những kết quả đã đạt được, những bài học, kinh nghiệm thành công để nhân rộng trong thời gian tới; đặc biệt tập trung phân tích các khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có những giải pháp thiết thực, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2024.
Năm 2024, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm. Trong đó, công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 20 sản phẩm đạt 4 sao - 5 sao; phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 03 sao trở lên; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Hội nghị, đã công bố và trao chứng nhận cho 26 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh năm 2023.
Các sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao lần này, gồm: Bánh phồng tôm sú; bánh phồng tôm (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát); bánh phồng tôm (Công ty TNHH SX TM DV Kiên Cường Năm Căn); tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái, chà bông tôm, chả tôm sinh thái, nước mắm Ngọc Trân; Tôm sú đông; rượu nếp cẩm; nước cốt trái nhàu nguyên chất SK NONI; cá Khô bổi Tư Hùng; cá khô bổi, bổi 1 nắng; trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh, trà thìa canh túi lọc Hùng Khánh, trà đinh lăng túi lọc Hùng Khánh; tôm khô Sông Đầm, tôm khô chà bông Sông Đầm, tôm khô thẻ Sông Đầm; ba khía muối, ba khía trộn sẵn, riêu ba khía, mắm tôm chua ngọt; gạo sạch Ông Muộn.
Bánh phồng tôm của Công ty TNHH SX TM DV Kiên Cường, ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn được công nhận OCOP 4 sao. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: thời gian qua, mặc dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng chương trình OCOP của tỉnh đạt nhiều thành tựu, được các tỉnh, thành trong khu vực đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của Cà Mau vẫn chưa phát triển xứng tầm, phần lớn sản phẩm chưa vào được các hệ thống phân phối lớn. Qua đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị xem xét chặt chẽ phát triển sản phẩm mới, nâng chất cho các sản phẩm đã công nhận và đánh giá về sức cạnh tranh, sự phát triển lâu dài trong tương lai. UBND các huyện chỉ đạo các phòng chức năng rà soát danh mục các sản phẩm OCOP của địa phương có triển vọng nâng hạng trong năm 2024. Các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ cá nhân và tổ chức thực hiện chương trình OCOP trong thời gian tới. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể, có thời gian hoàn thiện rõ ràng, chú ý đến việc như truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại. Các chủ thể tiến lên sản xuất công nghiệp ngay trên các làng nghề; giữ vững và thăng hạng các sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chí như về sở hữu trí tuệ.
Nhân dịp này, có 9 tập thể và 12 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP.