Kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, tích cực khắc phục, nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế tại khu vực biên giới.
Kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước, nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số (như Quảng Ninh).
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông lâm thủy sản tăng trưởng ở mức khá, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu cho người dân trong đại dịch.
Bộ Công Thương đề xuất 8 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế khu vực biên giới |
Phối hợp khá tốt với các nước bạn trong quản lý, điều hành hoạt động của các cửa khẩu. Linh hoạt vận dụng các quy định để kéo dài thời gian thông quan, mở thêm lối thông quan cho xuất khẩu hàng nông sản không bị ùn ứ. Các tỉnh biên giới đã cùng Bộ Công Thương và các bộ, ngành trao đổi, đàm phán… với các bộ, ngành, địa phương nước bạn để thông quan phòng dịch, không làm gián đoạn các hoạt động xuất nhập khẩu.
Các địa phương biên giới cũng thực hiện khá tốt nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, không có xung đột. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm phòng chống covid được thực hiện khá nghiêm túc, hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hạ tầng điện, nước và dịch vụ viễn thông, du lịch… Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước…
Những hạn chế cần được khắc phục
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Trình độ phát triển chênh lệch; kinh tế xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước; Cơ cấu kinh tế bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo ở khu vực biên giới; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở khu vực biên giới tuy là ngành chủ đạo nhưng còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá, nhất là hàng hoá xuất khẩu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và hình thành chuỗi liên kêt sản xuất, tiêu thụ; Quy mô thương mại còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Năm 2020, đạt 30 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch của cả nước, bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia; Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan như: Thiếu vốn cho đầu tư phát triển (chủ yếu nhà nước ít, dàn trải); kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng đó là vấn đề của thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; Thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới. Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển: Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; Thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; Áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế…
8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế trẻ ở khu vực này là: Khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên (FTA). Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.
Thứ hai, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới…
Thứ ba, cần ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ.
Thứ tư, tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Thứ năm, kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.
Thứ sáu, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.
Thứ bảy, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước.
Thứ tám, cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.
Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 200 kiến nghị rất cụ thể, chi tiết của 25 tỉnh, liên quan đến 8 nhóm vấn đề: mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển điện năng; phát triển công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Trung ương có chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể.
Liên quan đến cơ chế phối hợp, Bộ trưởng đề nghị cần áp dụng chế độ thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương và 25 tỉnh để Bộ kịp thời báo cáo Chinh phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.