Cá chép có thịt giòn như tràng lợn |
Ông Lê Văn Dũng (60 tuổi) ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp kể: Gia đình ông có truyền thống nuôi cá tra ở xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự. Tuy nhiên sau thất bại với nhiều vụ cá tra, ông Dũng mày mò tìm kiếm giống cá mới để nuôi với quyết tâm làm giàu từ con cá.
Trong một lần ra Bắc, ông Dũng biết đến loại cá chép giòn, loài cá này có thể mang lại kinh tế cao. Nghĩ là làm, ông quyết định nhập hơn 2.000 cá giống về nuôi.
Thời gian đầu, loại cá này còn khá mới, lạ lẫm với người dân miền Tây, vì vậy thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Sau khi cá đạt năng suất, ông Dũng chở cá chép giòn tìm đến các nhà hàng lớn, dùng đủ cách để giới thiệu sản phẩm. Thậm chí ông đích thân vào bếp của nhà hàng để nấu cá rồi mời khách ăn thử. Sau bao nhiêu năm vất vả, cuối cùng cá chép giòn của ông Dũng cũng có thương hiệu và được nhiều nhà hàng tìm đến tận bè cá để mua.
Nói về nguồn gốc cá chép giòn, ông Dũng cho biết, thực chất đây là những con cá chép thông thường, nhờ kỹ thuật nuôi đặc biệt trong giai đoạn quan trọng mà thịt cá chuyển từ mềm sang dai, giòn.
“Lúc nhỏ, cá chép được vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp từ 4 – 6 tháng. Khi cá đạt trọng lượng từ 1,5kg, cá sẽ được chuyển qua bè khác, bắt đầu giai đoạn chuyển giòn”, ông Dũng cho hay.
Cá nuôi và phát triển mạnh trong môi trường nước tự nhiên trên sông |
Ông Dũng cho biết thêm, giai đoạn chuyển giòn, cá chép sẽ được cho ăn một loại thức ăn duy nhất được nhập từ nước ngoài về là đậu tằm có nguồn gốc từ Úc, Canada, giá thành dưới 20.000 đồng/kg. Trước khi cho cá ăn, đậu tằm sẽ được ngâm trong nước khoảng 12 giờ. Sau đó đậu được cho vào thùng, nhấn chìm dưới nước để cá tự ăn.
Mỗi con cá chép ăn đậu tằm trong 100 ngày sẽ hết từ 1,5 đến 2kg đậu tằm. Thời gian này, cá sẽ không tăng trọng lượng mà thịt cá chuyển mềm nhão sang giòn, dai.
Với hơn 20 bè cá, mỗi năm ông Dũng xuất bán khoảng 200 tấn cá chép giòn, lợi nhuận thu về khoảng vài tỷ đồng. “Giá trị kinh tế của cá chép giòn gấp đôi cá chép thường, với giá bán ổn định trên dưới 100 ngàn đồng/kg, có thời điểm cao xấp xỉ 200 ngàn đồng/kg”, ông Dũng tiết lộ.
Ông Tung cho đàn cá chép giòn ăn đậu tằm |
Cũng làm giàu từ mô hình nuôi cá chép giòn, ông Nguyễn Văn Tung (ở xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định) chọn sông Hồng làm nơi khởi nghiệp.
Nắm bắt được những "ưu thế" của loại đặc sản đồng bằng sông Cửu Long này, cộng thêm tầm nhìn xa trông rộng, ông Tung đã quyết định chuyển hướng sang nuôi trồng cá giòn với quy mô lớn nhằm mục đích cung cấp nguồn cá giòn số lượng lớn cho thị trường.
Nghĩ là làm, ông lặn lội đi các tỉnh tham khảo cách nuôi cá chép giòn. Thời gian đầu, kinh nghiệm ít cộng với khí hậu không thuận lợi, nhiều giống cá nuôi trong ao liên tục bị chết khiến kinh tế gia đình ông lâm vào tình cảnh khốn khó. Thế nhưng vào năm 2018, ông Tung thấy nhiều nơi nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao liền học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật. Sau đó, ông liền quyết định chuyển từ nuôi cá ao sang nuôi cá chép giòn bằng hình thức nuôi thả trong lồng trên sông Hồng.
Nhờ “trời thương", mô hình nuôi cá giòn trên sông Hồng của ông Tung thu được lợi nhuận lớn. Cá của ông thường thơm, ngon hơn các loại cá được nuôi thả trong ao, nên lớn con nào bán hết con đó. Ông cho biết cá được "vỗ giòn" bằng đậu tằm. Chỉ 5 tháng sau, ông đã thu hoạch xuất bán 2 tấn cá, thu lãi 30 triệu đồng, gấp 3 lần nuôi cá chép thông thường.
Lấy lãi làm vốn, ông Tung quyết định chuyển hướng 6 lồng nuôi cá chéo giòn. Trong số này có 3 lồng ươm cá giống, còn 3 lồng nuôi thương phẩm cho ăn loại đậu tằm làm giòn thịt cá. “Đến nay, khu nuôi cá lồng của gia đình tôi có khoảng 30 lồng cá, không chỉ riêng cá chép giòn mà còn có bao gồm nhiều loại cá ngon từ cá lăng chấm, cá diêu hồng…”, ông Tung tiết lộ.
Cá chép được vỗ giòn bằng đậu tằm |
“Cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 - 10h và 16 – 18h, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao, lồng nuôi (máng làm bằng khung sắt có đường kính 6 cm, diện tích máng 4 - 5 m2, chiều cao máng 25 - 30 cm. Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài). Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn”, ông Tung không ngại ngần chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chép giòn.
“Sau khoảng 14 tháng nuôi (kể cả thời gian vỗ béo cho giòn thịt), cá chép đạt trọng lượng 2,5-3 kg/con. Hiện tại, những con cá chép đạt trọng lượng khoảng 2,5kg kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm để thịt cá trở nên giòn, bán được giá cao, được thị trường ưa chuộng… Mỗi kg cá có giá 150.000 đồng/kg, như vậy một con cá chép sẽ có giá dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/con. So với cá chép thường, giá cá chép giòn đắt gấp 3 lần", ông Tung cho biết. Trừ đi phần chi phí (cứ nuôi được 1 tấn cá chép giòn lại tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm), ông Tùng thu lãi khoảng vài tỷ đồng. Một năm ông Tung xuất bán ra thị trường các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… không đủ số lượng xuất bán.