Theo một báo cáo năm 2022 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hiện tại Nhật có tới 90.526 người từ 100 tuổi trở lên, con số này hiện đã gấp 5 lần so với 2 thập kỷ trước. Trong đó, quần đảo cận nhiệt đới Okinawa là vùng đất nhiều người sống thọ nhất tại Nhật.
Bí quyết sống thọ trăm tuổi tại Nhật không đến từ những điều xa xỉ mà có mối liên quan trực tiếp với chính chế độ ăn khoa học của họ. Người Nhật thường không ăn nhiều trong mỗi bữa, thay vào đó họ thường ăn uống đa dạng.
Chế độ ăn uống của họ chủ yếu dựa trên thực vật nên không chứa nhiều calo. Trung bình 1 người Nhật ăn hơn 1kg rau, trái cây và các loại đậu, như đậu nành... mỗi ngày.
Người Nhật còn đặc biệt ưa thích 3 loại rau xanh và coi chúng là "món ăn trường thọ", điều đáng mừng là những loại rau này ở Việt Nam bán giá siêu rẻ nên chúng ta hoàn toàn có thể ăn được mỗi ngày.
Mướp đắng
Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học Nhật Bản, mướp đắng là thực phẩm trường thọ có giá trị dinh dưỡng "toàn phương vị". Một trong những bí quyết trường thọ của người Okinawa là ăn nhiều mướp đắng, uống trà mướp đắng và uống nước mướp đắng.
Loại thực phẩm này rất được người Nhật rất chuộng. Đặc biệt là cư dân vùng Okinawa – nơi được mệnh danh là "hòn đảo trường thọ" bởi có số người trên 100 tuổi rất cao. Họ cho biết mướp đắng có tác dụng lọc sạch máu và bài độc cơ thể, kích thích ăn uống và cải thiện chức năng tiêu hóa, giúp máu lưu thông tốt hơn.
Theo Rachael Link – thạc sĩ y tế tại Đại học New York (Mỹ), trong mướp đắng chứa lượng lớn chất chống oxy hóa flanovoid, có tác dụng giúp tăng cường sự phát triển của các tế bào khỏe mạnh và giảm viêm. Chưa kể chất này còn bảo vệ hệ tim mạch, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, ung thư…
Phụ nữ Nhật nói riêng còn ép nước mướp đắng để uống hoặc đắp mặt nạ. Khi sử dụng nguyên chất như vậy, làn da sẽ trở nên mịn màng hơn, giảm mụn trứng cá và mụn đầu đen. Mướp đắng còn sở hữu các hoạt tính và vitamin C giúp tái tạo da rất nhanh, ngăn ngừa nếp nhăn sớm.
Mướp đắng mọc ở các khu vực nhiệt đới, bao gồm các vùng Đông Phi, Châu Á, Caribê và Nam Mỹ, nơi nó được sử dụng làm thực phẩm cũng như làm thuốc. Quả của cây này đúng như tên gọi của nó có vị đắng. Mặc dù hạt, lá và dây leo của mướp đắng đều đã được sử dụng, nhưng quả là một phần an toàn và phổ biến nhất của cây được sử dụng làm thuốc.
Mướp đắng (dân gian gọi là khổ qua) là loại quả có hàm lượng vitamin A đứng đầu trong số các loại thực phẩm. Mướp đắng có công dụng phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim.
Ngoài ra, chất glycoside của mướp đắng còn có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, bổ thận tráng dương...
Rau khoai lang
Người Nhật đặc biệt ưa thích rau khoai lang. Ở đất nước này, rau khoai lang được bán giá rất đắt và được bình chọn là "rau sống thọ" bởi nguồn dinh dưỡng quý giá mà chúng sở hữu. Loại rau này được xem là kho tàng vitamin. Bởi lượng vitamin B2 trong rau khoai lang nhiều gấp 10 lần so với củ khoai lang. Ngoài ra, loại rau này cũng rất giàu chất xơ, vitamin B6, vitamin C, chất chống oxy hóa...
Theo Đông y, rau khoai lang có tính bình, vị ngọt… được coi như một vị thuốc với nhiều tên gọi khác nhau như cam thử, phiên chử. Loại rau này có tác dụng chữa tỳ hư, kém ăn, thanh nhiệt, giải độc...
Nếu thường xuyên ăn rau khoai lang, nội tạng của bạn sẽ được thanh lọc. Do rau khoai lang có tính bình, vì thế món rau này sẽ giúp thanh nhiệt và làm mát cơ thể, đặc biệt tốt cho thải độc ruột.
Chất xơ trong rau khoai lang kích thích đại tiện, thúc đẩy quá trình giải độc ruột và các cơ quan nội tạng khác như gan, thận.
Lá khoai lang còn giúp bảo vệ thị lực, ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp hạ huyết áp và ổn định lượng đường trong máu, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Nhờ chứa nhiều vitamin K, rau này còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, mũi, miệng, dạ dày và các bệnh tim mạch. Thậm chí, đã có nghiên cứu chứng minh những bệnh nhân ung thư gan nếu bổ sung đủ vitamin K mỗi ngày sẽ khiến chức năng gan được cải thiện hơn.
Đối với loại rau này, người bị tiêu chảy hay tiêu hoá kém nên thận trọng khi sử dụng. Bởi khoai lang giàu chất xơ nên khó tiêu hoá hơn. Ngoài ra, người viêm dạ dày, đường huyết thấp cũng không nên ăn rau khoai lang kẻo làm tình trạng thêm trầm trọng.
Lưu ý rau khoai lang nên được chần trước khi xào. Bởi loại rau này có chứa hàm lượng axit oxalic tương đối lớn. Thành phần này kết hợp với canxi trong cơ thể người tạo thành canxi oxalat gây sỏi thận. Chần rau trước khi nấu sẽ giúp loại bỏ bớt axit oxalic. Rau khoai lang mang nhiều tác dụng nhưng chỉ sử dụng 2 lần/tuần.
Đậu bắp
Khẩu vị của người Nhật quả thực rất lạ, họ cực kỳ mê những món ăn có độ nhớt cao, và đậu bắp là một trong số đó. Đậu bắp từ lâu đã người Nhật trồng với số lượng lớn, trở thành món ăn yêu thích của người dân xứ sở Hoa anh đào.
Chất nhầy do đậu bắp tiết ra có chứa pectin và mucin hòa tan. Hai chất này có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu. Các carotenoid phong phú trong đậu bắp cũng có thể giúp duy trì sự bài tiết và chức năng bình thường của insulin, và cân bằng lượng đường trong máu.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, đậu bắp có vị chua, dịu, tính mát có tác dụng giảm đau và làm dịu các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Món ăn này khi cắt ra có nước nhờn dính, có vị ngọt, thịt mềm.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong quả đậu bắp có chứa một lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate. Do đó người mắc bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ loại thực phẩm này. Đậu bắp là loại rau có tính lạnh, những người bị suy nhược đường tiêu hóa và lạnh bụng, chức năng kém, thường xuyên bị tiêu chảy không nên ăn nhiều.