Hà Giang: Khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch bệnh Người nuôi lợn ở Sóc Trăng được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng Chuyện lạ: Giá lợn lao dốc vẫn ung dung thu lãi 2 tỷ/năm |
Ăn thức ăn vi sinh nên thịt lợn từ trang trại anh Vương rất thơm ngon |
Anh Nguyễn Đăng Vương (SN 1983, trú thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nói về cơ duyên đến với sản xuất thực phẩm sạch, anh Vương kể, sinh ra ở vùng quê nghèo (trước đây là thôn Tây Sơn, sau đó sáp nhập với 2 thôn khác thành thôn Bình An) nên anh bươn chải rất sớm, với nhiều nghề.
Mong muốn xây dựng riêng một thương hiệu sản xuất thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ, an toàn cho người tiêu dùng được anh Nguyễn Đăng Vương ấp ủ từ lâu. Thế nên vào năm 2015, khi có cơ hội sang Nhật Bản tham quan, anh đã đi học tập các mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn vi sinh, tiếp cận cách chăn nuôi hữu cơ… Sau quá trình tự học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức đến năm 2019, anh bắt tay vào xây dựng mô hình từ nguồn vốn tích cóp của hai vợ chồng. Mô hình chăn nuôi hữu cơ của anh được xây dựng trên 4 ha đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm của gia đình.
Đến đầu năm 2020, anh Nguyễn Đăng Vương mạnh dạn đầu tư thêm số tiền hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 9 khu vực chuồng trại chăn nuôi tổng hợp riêng biệt, khép kín. Hiện nay, trang trại tổng hợp của anh đang nuôi hơn 3.000 con gà thịt, 1.000 con vịt và hơn 30 con lợn trong đó có lợn nhà và lợn rừng lai…
Cái khác lạ ở trang trại anh Vương đó là nguồn thức ăn do anh tự làm ra, từ rác thải, phế phẩm. Anh Vương đến các chợ, khu vực sản xuất trên địa bàn thu gom phế phẩm như đầu, ruột của cá, ếch, đầu tôm, bã đậu, thân cây ngô, lạc, hoa quả, rau củ bị hỏng… Những phế phẩm là rác này được anh Vương mang về trang trại chế biến, ngâm ủ vi sinh, tạo ra thức ăn có hàm lượng đạm cao. Sau đó đem trộn với bã bia, tạo ra loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn, gà, vịt, bò.
Phân lợn, anh Vương dùng làm Biogas cung cấp chất đốt và dùng để nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, vịt.
Ngoài nuôi heo ăn rác, anh Vương còn nuôi gà ăn rác. |
Do không sử dụng thuốc kích thích, thuốc tăng trọng, các loài vật nuôi trong trang trại của anh có thời gian xuất chuồng cao hơn so với mô hình chăn nuôi thông thường khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, lợi ích từ việc chăn nuôi hữu cơ là vật nuôi ít bị dịch bệnh, sản phẩm chất lượng, không có kháng sinh hay tồn dư chất hóa học, thịt săn chắc, thơm ngon… Các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đón nhận với giá trị kinh tế cao hơn các mặt hàng cùng loại từ 30-35%.
Mỗi sáng, anh Vương thịt lợn, gà, vịt mang vào 2 cửa hàng ở số 22 Hàm Nghi và 09 Lê Lợi, TP Đông Hà (Quảng Trị) để bán cho khách hàng. Bên cạnh đó còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân, thu hút nhiều người quan tâm.
Chính vì cách chăn nuôi khoa học, tuần hoàn, sử dụng thức ăn sạch đã tạo ra thực phẩm sạch, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
"Trong 2 năm đầu mở trang trại, vì tình hình dịch bệnh, yếu tố thị trường và phải hoàn lại chi phí đầu tư ban đầu nên mức lãi thấp. Nhưng năm nay tôi đã có lãi khoảng 200 triệu đồng. Với đà tăng trưởng này, tôi tin thời gian tới trang trại sẽ có mức lãi ổn định, khá cao" – anh Vương chia sẻ.
Thấy mô hình chăn nuôi của anh Vương mang lại lợi ích, nhiều người có chung chí hướng đã tìm đến học hỏi. Đến năm 2021, họ đã cùng nhau thành lập hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn, do anh Vương làm giám đốc. Đến nay, hợp tác xã đã có 11 thành viên trên toàn tỉnh.
Không chỉ xây dựng trang trại cho bản thân, anh Vương còn nhiệt tình hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho những người cùng đam mê. Mỗi năm, có hàng chục đến hơn 100 người trên mọi miền đất nước tìm gặp anh Vương để học hỏi kinh nghiệm.
Anh Hồ Văn Núi (SN 1988, trú thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) là một trong những người được anh Vương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vi sinh.
Anh Núi cho biết, không chỉ được chỉ bảo tận tình, còn được anh Vương trả lương hàng tháng. Khi nào đủ tiền, anh Núi sẽ về bản làng của mình mở trang trại.
Ông Lê Đức Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh cho hay, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất thực phẩm sạch của anh Nguyễn Đăng Vương là một hướng đi mới, thành công trên địa bàn. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Sắp tới, Hội sẽ vận động một số hộ gia đình cùng tham gia thành lập Hợp tác xã chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Từ đó, đẩy mạnh nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã để nâng cao giá trị sản phẩm…
Nhằm tạo đầu ra lâu dài và bền vững cho sản phẩm, anh Nguyễn Đăng Vương đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và kênh Youtube để quảng bá và bán hàng. Thông qua các kênh này, anh đã đăng tải hàng trăm video chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, lợn, vịt... theo hướng hữu cơ cũng như quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng. Các quy trình sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến, đóng gói sản phẩm được anh quay trực tiếp để tạo ra sự tin cậy cho người tiêu dùng. Từ những sản phẩm ban đầu cung ứng ra thị trường, đến nay, với chất lượng của mình, các sản phẩm sạch của gia đình anh đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bên cạnh việc bán buôn, anh cũng bán lẻ và trực tiếp vận chuyển hàng đến từng hộ gia đình dù đơn hàng ít hay nhiều. Từ đó, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và giá trị thực phẩm sạch địa phương.