Anh Lương Tiên Sinh ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã hiện thực hóa dự định nuôi cá làm giàu. Ảnh: T.H. |
Quyết chọn cá cảnh để khởi nghiệp
Từng trải qua quân ngũ, giờ đây chàng trai Lương Tiên Sinh (25 tuổi, trú thôn Phú Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã hiện thực hóa dự định nuôi cá cảnh tí hon làm giàu.
Sau hơn 2 năm, 9X này đã sở hữu trang trại cá bảy màu dù chỉ rộng khoảng 150m2, nhưng đem lại cho anh Sinh một nguồn thu nhập lớn. Để có được thành công như hôm nay, anh đã vấp phải những khó khăn tưởng chừng như bỏ cuộc.
Cá bảy màu được ví như "tiểu thư, công tử" đỏng đảnh nên cần phải chăm sóc khá kỹ. Ảnh: T.H. |
Anh Sinh bồi hồi nhớ lại: "Tôi vốn yêu thích công việc chăn nuôi, nên từ khi còn trong quân ngũ đã ấp ủ dự định khởi nghiệp. Ra quân năm 2018, tôi tạm thời đi làm xa nhà để dành dụm tiền, khi có chút vốn liếng tôi quyết định trở về quê thử nuôi ốc bươu đen để phát triển kinh tế".
Ốc bươu đen dễ nuôi và sinh trưởng tốt. Vì là nuôi trong môi trường nước nên lăng quăng nhiều, sản sinh muỗi, do đó anh Sinh thử thả cá bảy màu để diệt lăng quăng như cách mọi người thường làm.
Khi theo dõi sự phát triển của ốc bươu, thì anh nhận thấy cá cảnh trong hồ cũng sinh trưởng rất tốt, tăng đàn nhanh. Từ đó, anh càng yêu thích vẻ đẹp của loài cá bảy màu và quyết định nuôi cá để làm giàu.
Mô hình nuôi cá cảnh và nuôi ốc bươu đen thương phẩm đã giúp anh Sinh lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H. |
Anh Sinh tâm sự: "Khi tôi chuyển sang nuôi cá cảnh thì mọi người không ủng hộ, vì về cơ bản cá bảy màu không dễ nuôi như ốc bươu đen, thị trường cá cảnh cũng "khó tính". Nhưng vì trót yêu loài sinh vật nhỏ bé và đỏng đảnh này nên tôi vẫn quyết tâm thử một phen".
Anh dốc hết vốn liếng để nhập một số loại cá bảy màu từ nước ngoài về tập tành nuôi. Vì là người đầu tiên trong vùng nuôi cá cảnh, nên để chăm sóc tốt đàn cá thì anh đã miệt mài học hỏi thêm kiến thức qua internet, sách báo. Hơn hết, anh Sinh tự tích lũy cho mình kinh nghiệm quý báu từ những lần anh thất bại.
Theo anh Sinh, để cá phát triển khỏe mạnh thì yếu tố nguồn nước nuôi là quan trọng nhất. Phải đảm bảo môi trường sống sạch bệnh, không bị ô nhiễm, nước trong và thường xuyên thay nước.
Đặc biệt, không nên thay nước quá nhanh khiến môi trường sống của đàn cá bị thay đổi đột ngột, cá chưa kịp thích nghi dẫn đến chết vì sốc nước. Chỉ nên thay khoảng 1 lần/tuần, mỗi lần khoảng 1/3 lượng nước trong bể, hoặc có thể thay nước mỗi ngày nhưng chỉ thay 10% lượng nước.
Anh Sinh bỏ thêm rong, rêu trong bể nuôi để hỗ trợ làm sạch nước và tạo không gian vui chơi cho đàn cá. Đồng thời thêm một ít muối hột vào bể để phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp ở cá bảy màu như: xù vảy, vây bị ăn mòn, nấm, ký sinh trùng, bệnh đường ruột,….
Ngoài nuôi cá cảnh, anh Sinh còn nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Ảnh: T.H. |
Hiểu cá như lòng bàn tay
Vừa cho cá ăn, anh Sinh vừa nói: "Thức ăn và chế độ ăn cũng không kém phần quan trọng trong quá trình nuôi. Cá bảy màu ăn ít nhưng phải cho ăn đều đặn và chia thành nhiều bữa nhỏ, nên thay đổi đa dạng giữa thức ăn chế biến sẵn và thức ăn tươi sống để cá sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Chỉ nên cho ăn vừa đủ để cá không chết vì ăn quá no, đồng thời tránh để thức ăn dư thừa lắng xuống đáy bể làm nước nhanh bẩn, ô nhiễm và gây ra các bệnh cho cá".
Bệnh trên cá cảnh diễn biến khá nhanh, nếu không phát hiện sớm sẽ lây lan ra cả bể nuôi dẫn đến cá chết nguyên đàn. Vì thế, anh Sinh luôn kiểm tra nước thường xuyên để nếu như có dấu hiệu nhiễm bệnh thì xử lý kịp thời, vệ sinh toàn bể.
Ánh sáng cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá bảy màu. Vì thế, anh bố trí bể cá ở nơi có ánh sáng chiếu vào, duy trì nhiệt độ ở mức 22-28 độ C. Ở nhiệt độ này cá sẽ ít bị bệnh, lớn nhanh và lên màu đẹp.
Cá bảy màu có rất nhiều chủng loại, giá dao động từ vài nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Ảnh: T.H. |
Anh Sinh chia sẻ, những khó khăn vấp phải khi tập tành nuôi cá cảnh anh đều cố gắng khắc phục được, nhưng thất bại lớn nhất là khi sắp xuất bán thì một hồ cá bị chim bay xuống ăn gần hết. Điều đó khiến anh vừa buồn vì thiệt hại gần 30 triệu đồng, vừa nhụt chí vì kết quả mong chờ ngày đêm đã tiêu biến.
Vực dậy tinh thần, anh Sinh đầu tư xây kiên cố hồ nuôi, mở rộng quy mô. Đến nay, anh đang nuôi 2 hồ ốc bươu đen trên diện tích 1.300m2 và 11 hồ nuôi cá bảy màu rộng 150m².
Điều đặc biệt của dòng cá bảy màu là tuổi thọ khá ngắn, nhưng đổi lại chúng có khả năng sinh sản nhanh. Một con cá bảy màu mái có thể đẻ định kỳ 20 ngày/1 lần, dao động từ 50-80 cá con. Sau khi sinh khoảng một giờ thì cá con có thể bơi lội ngay và được xuất bán sau 2 tháng. Về màu sắc thì có thể tùy ý lai tạo để tạo ra loại độc đáo theo ý thích.
Cá bảy màu đang được thị trường khá ưa chuộng. Ảnh: T.H. |
Cá bảy màu có rất nhiều chủng loại, nên tùy vào sở thích mà khách hàng sẽ lựa chọn cho mình giống cá phù hợp, giá dao động từ vài nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.
Để đáp ứng thị hiếu của người chơi cá cảnh, anh Sinh thường xuyên cập nhật những dòng cá bảy màu mới nhất như: Dumbo Red Tail (cá có màu đỏ rực từ phần vây tới đuôi); Full Red; Full Gold, Rồng xanh, đỏ, tím….
Từ việc nuôi và nhân giống cá bảy màu, anh Sinh thu lãi hơn 12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm cũng mang lại cho anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Những thành công đó đã giúp chàng trai trẻ hiện thực được ước mơ của mình, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.