Xuất khẩu cà phê “bùng nổ” trong 5 tháng đầu năm Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt sang thị trường châu Phi |
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 49,7% về trị giá |
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 6/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay (chỉ tính riêng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao.
Lượng cà phê xuất khẩu qua các tháng đoạn 2020 – 2022 (Đơn vị: nghìn tấn. Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu). |
Tháng 6, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5 và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp trong ngành cà phê đạt lợi nhuận không như mong đợi vì giá vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng cao.
Thực tế cà phê Việt Nam đang thiệt thòi vì chủ yếu vẫn xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá cà phê nhân chỉ đạt khoảng 2.400 USD.
Diễn biến giá xuất khẩu bình quân cà phê qua các tháng giai đoạn 2020 – 2022 (Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu). |
Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chủng loại cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê excelsa.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 5 đạt 125,1 nghìn tấn, trị giá 244 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 37% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuât khẩu cà phê robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta sang Nhật Bản, Algeria, Trung Quốc, Malaysia, Pháp giảm.
Chủng loại cà phê xuất khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu). |
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái.
Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.
Tại hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết Bộ đã phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục tiêu của đề án sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000 ha cà phê, trong đó, trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha.
Để thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế.
Đối với các diện tích cà phê không có tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng chuyển đổi sang cây trồng khác. Trường hợp, diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh thì cần xác rõ định diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh 1 năm, 2 năm hay 3 năm…, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo quy trình.