Đức vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại cà phê của Việt Nam Xuất khẩu cà phê tháng 1/2022 tăng nhẹ Còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê |
Xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm tăng mạnh |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 2/2022, do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 130 nghìn tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và 18% về trị giá so với tháng trước. Tuy nhiên, so với tháng 02/2021 vẫn tăng 5,7% về lượng và 40,1% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 293 nghìn tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng tới 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, hoạt động bán ra của Việt Nam trong thời gian qua cũng được thúc đẩy bởi giá cà phê ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tháng 02/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 3,0% so với tháng 01/2022 và tăng 32,6% so với tháng 02/2021. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt cao nhất kể từ năm 2017.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam qua các tháng năm 2020 - 2022 (ĐVT: tấn). Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: HH) |
Nhu cầu và giá hiện đang khá tốt nhưng các nhà xuất khẩu cũng tỏ ra lo ngại khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga đang khiến các đơn hàng Việt Nam xuất khẩu bị ngưng trệ và kẹt thanh toán.
Trong đó có xuất khẩu cà phê, cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang Nga, nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 4 của Việt Nam sau EU, Mỹ và Nhật Bản, chiếm hơn 5% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021.
Theo lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp và tiêu cực tới sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu; vận chuyển, lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại... Các doanh nghiệp có dự án hợp tác với Nga, Ukraine, Belarus và các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ chịu tác động.
"Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam", Vụ thị trường châu Á, châu Âu nhận xét.
Nguồn cung dồi dào là lợi thế của các nhà xuất khẩu Việt Nam
Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), cơ quan này cho biết các nhà nhập khẩu đang chuyển sang mua cà phê robusta từ các nước châu Á như Việt Nam, Indonesia... để bù đắp cho sự tăng giá và thiếu hụt của cà phê arabica tại khu vực Nam Mỹ.
Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, với phương châm: "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng". |
Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng đầu năm 2022 nối dài đà suy giảm khi chỉ đạt 3,2 triệu bao, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tắc nghẽn vận chuyển đã khiến xuất khẩu chậm lại, trong khi tìm kiếm không gian trống trên tàu hiện vẫn rất khó khăn.
Mặt khác, Brazil đang trong vụ mùa thu hoạch thấp theo chu kỳ hai năm một lần với lượng dự trữ giảm và lượng cà phê sẵn có thấp hơn, điều này chỉ có thể cải thiện khi vụ thu hoạch mới diễn ra trong tháng 5 đến tháng 6 tới.
Còn tại Colombia, thông tin mới nhất từ Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC) cho biết sản lượng cà phê của nước này trong tháng 2 là 928.000 bao loại 60 kg, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái do thời tiết bất lợi kéo dài, xuống chỉ còn 1,8 triệu bao. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm 14% xuống chỉ còn hơn 2 triệu bao.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh như Brazil và Colombia vẫn đang chật vật với những khó khăn về chuỗi cung ứng và sản lượng sụt giảm thì nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch mới đây sẽ là lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, với phương châm: "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng".
Chiến lược ngành cà phê trong thời gian tới là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân như hiện nay bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, cơn ác mộng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.