Quảng Ninh: Bắt giữ trên 1.200 sản phẩm thuốc lá điện tử Hà Nội: Thu giữ lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu Đà Nẵng: Tạm giữ 1.484 sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra kết luận trên trong báo cáo về "Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2021" công bố ngày 27/7.
Báo cáo với nội dung trọng tâm đề cập đến các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, nhấn mạnh rằng cần kiểm soát Hệ thống phân phối nicotine điện tử (ENDS) chặt chẽ để bảo vệ tối đa sức khỏe cộng đồng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 21/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nicotine là chất gây nghiện
Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định nicotine là chất gây nghiện và các loại thuốc lá điện tử có hại và cần phải được kiểm soát tốt hơn. Theo người đứng đầu WHO, trong trường hợp các sản phẩm này chưa được cấm, chính phủ các nước cần đưa ra những chính sách thích hợp để bảo vệ người dân khỏi những mối nguy hại từ các loại thuốc lá điện tử và không để trẻ em, thanh thiếu niên và nhóm người dễ bị tổn thương, tiếp cận các sản phẩm này.
Báo cáo này cũng chỉ rõ các nhà sản xuất thuốc lá điện tử thường nhắm đến giới trẻ và hấp dẫn nhóm đối tượng khách hàng này bằng hàng nghìn hương vị sản phẩm, khoảng 16.000 hương vị.
Trong báo cáo này, WHO đặc biệt quan ngại về người dưới độ tuổi 20 sử dụng thuốc lá điện tử từ mối nguy hiểm của những tác động của nicotine đối với sự phát triển của não bộ.
Theo WHO, trẻ em sử dụng các thiết bị thuốc lá điện tử có xu hướng hút thuốc lá điếu trong tương lai. Do đó, WHO khuyến cáo chính phủ các nước làm mọi điều trong khả năng để ngăn chặn những người không hút thuốc tránh xa thuốc lá điện tử.
Báo cáo của WHO cho biết hiện đã có 32 nước cấm bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khi có 79 nước đã đưa ra ít nhất một giải pháp cấm hoàn toàn sử dụng sản phẩm trên tại nơi công công cũng như cấm mọi hoạt động quảng cáo, khuyến mại... hoặc yêu cầu các công ty chủ quản in các dòng chữ cảnh báo về sức khỏe trên bao bì sản phẩm.
WHO cho biết vẫn còn 84 nước chưa có bất cứ động thái hạn chế hay cấm các sản phẩm loại này.
WHO nhấn mạnh thuốc lá là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 8 triệu người mỗi năm, trong đó có 1 triệu người hút thuốc lá thụ động. Do đó, WHO nhấn mạnh việc kiểm soát thuốc lá điện tử không thể tách rời khỏi cuộc chiến chống hút thuốc lá.
Cần mạnh tay kiểm soát, xử lý hàng trôi nổi
Liên quan tới thuốc lá điện tử, kết quả khảo sát của Viện Kinh tế kỹ thuật trên một số mẫu cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Một chuyên gia về thương mại điện tử cho biết các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay dễ dàng đến tay người tiêu dùng bởi kênh phân phối quá đa dạng, trong đó có sự góp sức rất lớn từ các sàn giao dịch thương mại điện tử. Mỗi năm, nhiều vụ mua bán quy mô lớn đã bị thu giữ, trong đó có những lô hàng ước tính lên tới hàng tỉ đồng.
Đáng quan ngại, theo các cơ quan chức năng, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là việc mua bán, giao dịch sản phẩm này chủ yếu thông qua mạng xã hội, nhất là những nhóm kín, nên việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.
WHO cảnh báo mối nguy hại của thuốc lá điện tử |
“Luật xử phạt nhẹ, không có điều khoản xử lý hình sự như vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điếu, nhu cầu với thuốc lá thế hệ mới ngày càng nhiều, hình thức mua bán tinh vi… là các lý do khiến nạn kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không nguồn gốc trở nên phức tạp”, đại diện một cơ quan quản lý thị trường cho hay.
Về vấn đề quản lý sản phẩm này, tại Công văn 8750/VPCP-V.I tháng 10/2020, Chính phủ đã giao cho các ban bộ ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào tháng 12 cùng năm.
Trong thời gian này, dư luận và các cơ quan ban ngành cũng đều có ý kiến phân tích nhiều góc độ về khoa học, sức khoẻ, thậm chí là đề xuất áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành cho những loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã thuộc định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành từ năm 2012. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), do chưa có quy định cụ thể nên các lực lượng quản lý thị trường chỉ xử lý giống các trường hợp sản phẩm nhập lậu, chưa có chế tài để xử lý mạnh như việc buôn lậu thuốc lá thông thường. Do đó, thực tế này yêu cầu cần có sự thống nhất về cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc tương tự.
Cũng bởi, theo Nghị định số 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ với số lượng trên 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu là có thể xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, thuốc lá thế hệ mới chủ yếu vẫn là hàng lậu, chưa chịu sự quản lý hay chính sách nào nên đa phần đều xử phạt hành chính, chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng càng chậm trễ trong việc quản lý thì hệ lụy càng lớn, nhất là khi sản phẩm tràn lan trên mạng và bày bán công khai trên thị trường, tràn vào trường học với nhiều biến tướng. Do đó, cần phải sớm áp dụng luật để quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm giúp giảm gánh nặng quản lý, đồng thời kiểm soát chặt chẽ mặt hàng trôi nổi trên thị trường.