Top 10 quán cà phê ở Hà Nội thích hợp "nhâm nhi" từng trang sách Độc đáo quán cà phê chim cảnh đột biến ở Đắk Lắk 5 quán cà phê view biển, độc đáo tại Quy Nhơn |
Hướng dẫn thoát hiểm đám cháy khi cửa chính bị lửa bao trùm
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy bình tĩnh. |
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để thoát nạn đối với nhà độc lập, liền kề, trước hết phải xác định được lối ra an toàn để thoát khỏi khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát hiểm ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát hiểm ngoài nhà; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang, thang dây, dây tự cứu hạ chậm… Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau:
Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, áo để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây phải chắc chắn đã buộc vào các cấu kiện vững chắc.
Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận; Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.
Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Khi gặp sự cố cháy điều quan trọng nhất là tìm khăn thấm nước trước khi nguồn nước bị cắt. |
Theo khuyến cáo của ngành y tế, trong các vụ cháy đa số các nạn nhân tử vong do ngạt khói trước khi bị tử vong do cháy (bỏng), do vậy việc phòng ngạt khói khi có cháy phải được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, khi gặp sự cố cháy điều quan trọng nhất là tìm khăn thấm nước trước khi nguồn nước bị cắt hoặc hư hỏng, sau đó che kín mũi miệng để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói. Đồng thời, nên nhúng khăn, vải nhiều nước rồi trùm lên người để thoát ra khỏi đám cháy, việc làm này cũng sẽ hạn chế thương tích do bỏng.
Nếu gia đình nào có mặt nạ chống độc hãy dùng mặt nạ để di chuyển đến nơi an toàn. Đặc biệt quá trình di chuyển không chạy lấy được, hãy bình bĩnh bò dưới nền (sàn) để hạn chế hít nhiều khói độc, vì khói luôn có xu hướng bay lên cao. Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng và tìm cách gọi cứu hộ.
Lưu ý: Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện. Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy.
Cách nhận biết và sơ cứu người bị ngạt khói ra sao?
Dấu hiệu người bị ngạt khói cần sơ cứu ngay
các triệu chứng tổn thương do bị ngạt khói. |
Những trường hợp tử vong do ngạt khói thường diễn ra không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt. Dưới dây là các triệu chứng tổn thương do bị ngạt khói thường có biểu hiện rõ nhất ở đường hô hấp, cụ thể có một số dấu hiệu nhận biết sau:
Ho: Màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích hít phải khói. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản sẽ dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy lúc này có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi.
Hụt hơi, thở gấp: Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu khiến bệnh nhân bị hụt hơi thở gấp. Mặt khác, máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy làm nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy.
Khàn tiếng: Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói có thể gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó…
Đau đầu, rối loạn ý thức: Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. Bên cạnh đó, nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng như: tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu… thậm chí đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật, hôn mê và tử vong.
Cách sơ cứu người bị ngạt khói
Theo các chuyên gia, tùy vào mức độ ngạt của nạn nhân có thể thực hiện một số bước sơ cứu như sau:
Người còn tỉnh táo và có khả năng hô hấp được: Để nạn nhân nằm hoặc ngồi nghỉ ở chỗ thoáng khí, cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.
Nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn khả năng hô hấp được: Cho nạn nhân nằm nghiêng để đờm không làm tắc đường thở, nếu khu vực xung quanh có bình oxy nên cho nạn nhân thở ngay.
Nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường: Trong quá trình chờ xe cấp cứu, nếu nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở hoặc thở bất thường, chúng ta cần thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Dù trong tình trạng nào cũng cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để đưa người bệnh đi cấp cứu để được hỗ trợ, điều trị kịp thời.