Hồn dân tộc đậm đà trong chiếc bánh Hội thi gói bánh chưng, bánh giầy nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 |
Bánh chưng Tranh Khúc được gói chắc tay và buộc chặt. |
Hương vị khác biệt tạo sức sống làng nghề
Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nức tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà nhiều khách phương xa.
Khi được hỏi về lịch sử, người dân ở đây đều không biết nghề gói bánh chưng xuất hiện tự bao giờ, chỉ biết rằng do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng.
Trong quá trình phát triển, có một thời làng nghề bị gián đoạn hoạt động vì chiến tranh. Sau khi hòa bình lập lại, có lẽ vì yêu những chiếc bánh chưng, trân trọng nghề truyền thống của thế hệ trước nên mọi người trong làng ai nấy đều học làm bánh chưng và lưu giữ nghề đến tận bây giờ.
Lá dong được thu mua tập kết để chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Công đoạn làm sạch lá rong cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (74 tuổi) - một gia đình có truyền thống làm bánh chưng lâu năm tại làng Tranh Khúc dịp này bận rộn hơn thường lệ. Dù còn gần một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng đã bận rộn nhận đơn đặt hàng. La liệt khắp sân, hè là những bó lá dong xanh mướt được xếp gọn vào một góc để giữ độ tươi, những rổ gạo nếp trắng ngần cũng đã được vo sẵn cho ráo nước.
Để làm ra một chiếc bánh chưng phải trải qua rất nhiều công đoạn, thế nhưng mọi việc đều được ông Bảy chỉ đạo rất nhịp nhàng, các thành viên trong gia đình ai nấy đều được tham gia vào công việc làm bánh để đảm bảo hoàn thành mẻ bánh đúng thời gian.
Khi được hỏi về bí quyết tạo nên sự đặc biệt trong mỗi chiếc bánh chưng Tranh Khúc, ông Bảy cười hồn hậu, bảo: Vẫn chỉ lá lá rong, gạo nếp, đậu xanh... những thứ từ đồng đất mà thôi. Chỉ có điều, người làm bánh chưng biết căn cơ đúng thời điểm, liều lượng gia giảm phù hợp và hơn hết là cái tâm, làm ra chiếc bánh chất lượng xứng với đồng tiền và sự tin cậy của khách hàng. Đây là những điều tuy đơn giản nhưng nó được đúc kết sau hàng trình cả đời người gắn bó với chiếc bánh chưng truyền thống ở Tranh Khúc.
Khi chọn nguyên liệu làm bánh chưng, người làng Tranh Khúc cũng kén chọn. |
Bởi thế, khi chọn nguyên liệu làm bánh, người làng Tranh Khúc cũng kén chọn. Phải là gạo nếp ở Bắc Ninh hoặc gạo Thái, nhưng nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu. Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo. Sử dụng đậu vỡ sẵn, hoặc loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, độ nạc mỡ vừa đủ. Còn với việc lựa chọn lá dong để gói bánh thì đó phải là thứ lá dong rừng vì loại lá này to, có màu xanh sẫm…
Khi gói bánh phải gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, rửa qua nước lạnh cho bánh được sạch, lá không bị khô, xấu lá. Rồi sau đó dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết khi bánh vẫn còn đang mềm, làm như vậy có tác dụng làm cho bánh nở đều, các góc chặt như nhau. Từng đó công đoạn, tưởng chừng đơn giản, nhưng phải qua tay những người có thâm niên kiểm duyệt để ra lò những chiếc bánh chưng đạt chuẩn Tranh Khúc.
Bánh chưng Tranh Khúc đã xuất ngoại
Nghề làm bánh chưng chủ yếu phục vụ những ngày lễ, tết bởi vậy vấn đề thị trường luôn là mối trăn trở của người làng Tranh Khúc. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, khiến làng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, dịp Tết Nguyên đán năm nay, người làm bánh trưng Tranh Khúc kỳ vọng sẽ tạo bước độ phá để lan tỏa sản phẩm ra thị trường cả nước.
Cả thôn hiện có 252 hộ, thì gần 200 hộ chuyên sản xuất bánh chưng. Quanh năm, bánh chưng được người ở đây sản xuất vào những ngày 13 - 14 và 29 - 30 để phục vụ khách mua cúng mùng Một và ngày Rằm của tháng âm lịch. Riêng tháng Chạp âm lịch thì ngày nào cũng hối hả sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán với công suất tăng lên gấp hàng chục lần so với thời điểm khác, mỗi nhà mỗi ngày sản xuất hàng nghìn chiếc bánh chưng là chuyện thường.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quân (thôn Tranh Khúc) đã có hơn chục năm gắn bó với nghề bánh chưng truyền thống. Khoảng 2 năm về trước khi chưa có dịch bệnh, mỗi dịp Tết, gia đình ông sản xuất và tiêu thụ hơn 1 vạn bánh chưng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông chủ yếu là tại các chợ truyền thống trong nội thành Hà Nội.
Theo đó, các mối hàng sẽ tìm đến ông Quân để đặt hàng và phân phối đi các chợ tại các quận, huyện. Để phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng, ông cũng nhận làm các loại bánh với giá khác nhau, dao động từ 30.000-70.000 đồng/chiếc.
“Không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống, hiện nay một số hộ gia đình làng nghề bánh chưng Tranh Khúc liên doanh, liên kết đưa sản phẩm bánh chưng vào các siêu thị. Thời gian tới, để phát triển hơn nữa thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà sẽ động viên các hộ gia đình duy trì tiêu thụ tại các chợ truyền thống, cùng đó đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão cho hay.
Để phục vụ kịp nhu cầu đặt hàng, người làng đã sử dụng những chiếc nồi khổng lồ có thể chứa tới 900 chiếc bánh chưng. |
Sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc hiện không chỉ chiếm 30% thị trường kinh doanh bánh chưng ở Hà Nội, mà còn xuất bán đi nhiều vùng miền đất nước với số lượng ước tính trong mỗi vụ Tết lên đến 1,6 - 2 triệu chiếc. Những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến làng Tranh Khúc đặt bánh chưng để làm quà Tết. Đặc biệt, bánh chưng Tranh Khúc cũng đang được xuất khẩu với số lượng khoảng 20 vạn chiếc trong mỗi vụ Tết.
Ông Nguyễn Đăng Ngữ - Chủ nhiệm HTX Tổng hợp Dịch vụ Thương mại Văn Khúc (tên ghép của 2 thôn Văn Uyên và Tranh Khúc) - cho biết, ở Tranh Khúc hiện đã có khoảng 20 hộ chuyên làm bánh chưng xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu bánh chưng chủ yếu là ở các nước có cộng đồng người Việt Nam lớn, nhất là các nước Đông Âu như Czech, Ba Lan, Nga, Đức. Ngoài ra, còn có một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với người dân Việt mỗi dịp lễ Tết thường không thể thiếu chiếc bánh chưng. Ngày nay, công việc bận rộn, nhất là ở thành phố chật chội việc tổ chức gói bánh cũng không dễ dàng. Bởi vậy nhiều người tìm mua bánh chưng gói sẵn. Lựa chọn được chiếc bánh chưng ưng ý như bánh chưng Tranh Khúc góp phần làm cho niềm vui đón Tết thêm trọn vẹn./.