Bún cua thối Gia Lai - đặc sản nức mũi phố núi Pleiku 5 đặc sản Gia Lai đắt xắt ra miếng, mua về làm quà thì hết ý, ai nhận cũng xuýt xoa Đặc sản "thử thách lòng kiên nhẫn của thực khách" ở Hải Phòng |
![]() |
Tuấn Cry ăn bánh trong MV. Ảnh chụp màn hình |
Với sự thành công của MV Bắc Bling (Bắc Ninh) của Hoà Minzy kết hợp cùng với danh hài Xuân Hinh, Tuấn Cry và Masew không chỉ gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ giai điệu bắt tai mà còn giúp quảng bá văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh. Đặc biệt, một phân cảnh trong MV khiến cộng đồng mạng xôn xao khi ca sĩ, nhạc sĩ Tuấn Cry thưởng thức một món ăn được cho là đặc sản địa phương đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.
Nhiều người tin rằng đó là đậu gù Trà Lâm – một đặc sản nổi tiếng của Bắc Ninh. Tuy nhiên, đạo diễn MV, anh Nhu Đặng, đã tiết lộ với báo Lao Động rằng món ăn thực chất là bánh đậu xanh. Ban đầu, ê-kíp dự định sử dụng bánh xu xê, một đặc sản Bắc Ninh, nhưng do không chuẩn bị kịp nên đã thay thế bằng bánh đậu xanh. "Tôi rất bất ngờ khi chi tiết này nhận được nhiều sự quan tâm. Chắc hẳn khán giả đã xem rất kỹ MV. Tôi cũng vui khi đậu gù làng Trà Lâm, Bắc Ninh được chú ý như vậy", đạo diễn Nhu Đặng chia sẻ.
Đậu gù Trà Lâm có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự phát triển của làng Trà Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Theo tương truyền, vào năm 1640, thiền sư Chuyết Chuyết nổi tiếng đã đi dọc theo dòng sông Dâu - một nhánh sông cổ chảy qua địa phận huyện Thuận Thành, từ chùa Phật Tích tới chùa Bút Tháp. Khi nghỉ chân ở làng Trà Lâm, thấy người dân làng Trà Lâm chịu thương chịu khó nên ngài đã dạy dân làng nghề làm đậu phụ.
Ban đầu, đậu gù chỉ được làm để cải thiện bữa ăn của người dân địa phương, nhưng nhờ hương vị thơm ngon, món ăn này nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều vùng lân cận như: Tư Thế, Bút Tháp, Phương Quan ưa chuộng tìm mua. Ngày nay, đậu gù Trà Lâm không chỉ xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày mà còn là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đình đám của người dân Bắc Ninh.
![]() |
Nghề làm đậu gù Trà Lâm đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. |
Từ đó, tiếng lành đồn xa, đậu gù Trà Lâm không chỉ trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm, mà còn được người dân trong vùng xếp vào mâm cỗ mỗi khi hội hè đình đám. Đến nay, người dân Trà Lâm vẫn miệt mài sớm hôm với nghề làm đậu phụ truyền thống. Nhờ những bìa đậu gù Trà Lâm thơm ngon, béo bùi, mà bà con trong làng có thu nhập khá giả, nuôi con cái ăn học, đỗ đạt, đi ra làm ăn, công tác phương trưởng...
Bí quyết để có bìa đậu thơm, ngon, mềm mịn, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài việc chọn lựa được những hạt đỗ chất lượng tốt, thì quá trình ngâm, xay, vắt, đun ở nhiệt độ và thời gian thích hợp cũng là những công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng của bìa đậu. Vì không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản nên đậu phụ sau khi rời khuôn nếu muốn giữ nguyên được hương vị, cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng sau 5 tiếng, đậu phải được bảo quản ở nhiệt độ nhất định nếu không sẽ bị lên men và chua, không thể sử dụng.
Nghề làm đậu gù Trà Lâm đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Trước đây, việc làm đậu rất vất vả do phải dùng cối đá kéo tay để xay đậu nành. Tuy nhiên, từ năm 1993, khi điện về làng, máy móc dần thay thế sức lao động thủ công, giúp nâng cao năng suất gấp 3 lần.
![]() |
Dù có sự hỗ trợ của công nghệ, các công đoạn quan trọng vẫn giữ nguyên bí quyết truyền thống. |
Tên gọi đậu gù xuất phát từ việc trước đây, việc ép đậu phải thực hiện 2 lần, với khuôn nén thô sơ nên khi chồng 2 tầng đậu nhỏ vào để nén thành bìa đậu to thường tạo ra hình dáng hơi méo (gù). Sau đó, những người thợ đã chế tạo được những khuôn to, có thể nén được cả bìa đậu có trọng lượng từ 500-600 gam, vừa cầm chắc tay vừa cho ra được bìa đậu có da màu vàng óng.
Dù có sự hỗ trợ của công nghệ, các công đoạn quan trọng vẫn giữ nguyên bí quyết truyền thống, từ khâu chọn đậu nành hạt tròn mẩy, ngâm nước đủ thời gian, đến cách nấu đậu và ép khuôn. Chỉ sau khoảng 10 phút ép, những bìa đậu gù Trà Lâm nóng hổi, béo bùi ra lò, sẵn sàng phục vụ thực khách. Nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất như nồi hơi, máy nghiền…, giúp sản lượng bình quân tăng lên 3-4 lần.
Theo thống kê của UBND phường Trí Quả, năm 2023, sản lượng đậu Trà Lâm bán ra thị trường đạt khoảng 562,5 tấn, cho tổng doanh thu 13,5 tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 300 hộ gia đình ở Trà Lâm vẫn duy trì nghề làm đậu gù, cung cấp sản phẩm cho Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang. Tuy nhiên, do khó bảo quản, đậu gù chưa thể mở rộng thị trường xa hơn.