Mô hình trồng rau muống lấy hạt giúp nông dân thu được lợi nhuận khá |
Anh Nguyễn Quốc Thịnh, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) là người tiên phong trong thực hiện mô hình trồng rau muống lấy hạt với thâm niên trên 10 năm.
Thời gian đầu, mỗi vụ anh Thịnh chỉ gieo trồng vài chục công đất, hiện nay đã tăng lên hơn 10ha và chỉ canh tác trong vụ đông xuân.
Theo anh Thịnh, trong những vụ mùa sản xuất khác, do thời tiết không thuận lợi để rau muống phát triển. Qua nhiều năm canh tác, trồng rau muống lấy hạt là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, nông dân muốn phát triển mô hình này phải có sự liên kết với thương lái, như vậy mới đảm bảo giá cả, đầu ra, lợi nhuận ổn định.
Để chuẩn bị vụ mùa mới, từ khi còn canh tác lúa vụ thu đông, anh Thịnh đã kết nối với thương lái, được cung cấp hạt giống kèm theo chính sách hỗ trợ chi phí 2 triệu đồng/công, từ số tiền hỗ trợ này, anh Thịnh có thể xoay sở tiền phân bón, nhân công… Đợi đến kỳ thu hoạch hạt, chi phí này sẽ được khấu trừ lại. Trước khi gieo trồng, hạt giống cần được ươm trước 1 tháng, sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông sẽ tiến hành làm đất, thuê nhân công cấy trên ruộng.
“Trước và sau khi cấy, cần có nước ngập cao hơn mặt ruộng một ít nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau muống phát triển, thả chồi khắp ruộng. Thời điểm này, nông dân tranh thủ rải phân, xịt thuốc diệt mầm để hạn chế cỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của rau muống. Đến lúc rau muống phủ kín mặt ruộng cần cắt nước ngay, mặt đất khô, hoa sẽ ra nhiều. Đây là kỹ thuật giúp rau muống có tỷ lệ đậu hạt nhiều và đạt năng suất cao” - anh Thịnh chia sẻ kinh nghiệm.
Sau 3 tháng canh tác, rau muống cho thu hoạch hạt, tuy nhiên nếu giữ đến 4 tháng, hạt sẽ khô và đạt chất lượng, năng suất cao hơn. Trung bình, mỗi công đất thu được khoảng 400kg hạt. Giá hợp đồng từ đầu vụ với thương lái 39.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 6-8 triệu đồng/công.
Đối với nông dân nhiều kinh nghiệm như anh Thịnh, trồng rau muống lấy hạt là mô hình sản xuất không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu như anh Lê Văn Trường (ngụ xã Bình Mỹ), đây thật sự là mô hình sản xuất mới, đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Có diện tích ruộng liền kề với anh Thịnh, anh Trường được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời ký liên kết tiêu thụ với thương lái và bắt đầu mùa vụ canh tác đầu tiên.
Anh Trường cho biết, trước nay, như nhiều nông dân ở địa phương, anh chỉ làm lúa 3 vụ. Những năm gần đây, thấy bà con xung quanh trồng rau muống lấy hạt có năng suất và lợi nhuận ổn định, anh Trường quyết định chuyển đổi gần 5ha trồng lúa sang trồng rau muống lấy hạt. Sau vụ này, nếu đạt lợi nhuận khá, anh Trường tiếp tục chuyển đổi phần diện tích đất còn lại sang trồng rau muống lấy hạt trong vụ đông xuân. Thu hoạch rau muống lấy hạt xong, anh sẽ tiếp tục canh tác lúa trong những vụ tiếp theo.
“Từ trước đến giờ chỉ biết làm lúa, nên khi bắt đầu chuyển đổi mô hình, suốt ngày tôi ở ngoài ruộng để quan sát xem rau muống phát triển như thế nào, có bị sâu hại hay không, khi nào cần cắt nước, bón thêm loại phân gì để rau muống phát triển tốt… Thực tế, ruộng rau muống thường chỉ bị bệnh chết dây, còn sâu ăn lá hoàn toàn có thể điều trị được”, anh Trường giải thích.
Tuy nhiên nếu hạn chế được tình trạng này sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Muốn vậy, bà con không nên cấy rau muống quá dày vì trong thời gian canh tác, nếu gặp mưa nhiều, đất sẽ khó thoát ẩm, rất dễ bị sâu bệnh tấn công, trái dễ bị hư, không đạt năng suất như mong muốn. Trung bình mỗi công đất chỉ cần sử dụng từ 1,2 - 1,3kg hạt giống là được, vừa tiết kiệm hạt giống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu hoạch rau muống lấy hạt |
Trước khi canh tác, anh Trường được anh Thịnh chia sẻ kinh nghiệm, nhất là những kỹ thuật, như: Xử lý giúp rau muống ra hoa, đậu trái nhiều… “Khi rau muống phủ kín đất thì tuyệt đối không được vô nước, vì chỉ cần vô nước rau muống sẽ phát triển dây, không ra trái. Để đất càng khô trái càng nhiều, đừng thấy buổi trưa dây rau muống héo mà vô nước. Bởi vậy, mới thấy việc học tập kinh nghiệm của người đi trước rất quan trọng” - anh Trường nói. Thông thường, khoảng thời gian rằm tháng 2, những ruộng rau muống lấy hạt ở xã Bình Mỹ sẽ cho thu hoạch rộ. Trước đây, nông dân thường thuê nhân công cắt bằng tay, nhưng những năm gần đây sử dụng máy nên thời gian thu hoạch nhanh.
Rau muống sau khi cắt xong sẽ được phơi trực tiếp trên đồng ruộng, sau khoảng10 - 15 ngày cho vào máy tuốt để tách lấy hạt và giao sản phẩm cho thương lái. Khi chuyển đổi sang trồng rau muống lấy hạt, vừa giúp nông dân thu lợi nhuận trực tiếp từ mô hình, vừa là hình thức cải tạo đất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón trong những vụ lúa tiếp theo. Đây là điều mà nông dân rất yên tâm và phấn khởi khi thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất.
Nhiều nông dân khu vực biên giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã chọn trồng rau muống lấy hạt trên đất lúa kém hiệu quả.
Xã Thường Phước 1 là địa phương có diện tích trồng rau muống lấy hạt lớn của huyện Hồng Ngự với 240ha. Hiện nông dân trong xã đã thu hoạch được 3ha, năng suất 2 tấn/ha, giá bán tại ruộng là 60 ngàn đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 10 ngàn đồng/kg.
Sau thu hoạch trừ các khoản chi phí, nông dân lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, tăng khoảng 3 triệu đồng so với năm trước.
Rau muống lấy hạt đang là cây trồng chủ lực của xã biên giới Thường Phước 1, nếu trước đó diện tích trồng chỉ gần 100ha thì hiện tại lên hơn 240ha. Bên cạnh mang lại lợi nhuận cho người trồng, vào mùa thu hoạch còn giúp lao động nông nhàn có thêm thu nhập từ việc cắt, phơi và tách hạt rau muống với tiền công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.