Rau dớn nhìn giống cây dương xỉ |
Rau dớn có tên khoa học Diplazium esculentum, hình dáng gần giống cây dương xỉ. Loài này mọc hoang dại nơi ít ánh nắng, gần bờ suối hoặc dưới tán rừng thấp ẩm ướt. Rau mọc thành vạt, mỗi cây cao hơn nửa mét, nhiều lá song chỉ sử dụng lá non thân hình bụ bẫm, phần trên cùng uốn lại như vòi voi làm món ăn.
Trong chiến tranh, rau dớn từng là món ăn chính của bộ đội đóng quân trên dãy núi Trường Sơn. Sinh ra ở xã miền núi Tiên Lãnh, tuổi nhỏ chị Y sống nghèo khổ và gắn bó với cây rau dớn. "Ngày đó để lót dạ, bố mẹ tôi thường vào rừng hái rau về luộc, xào ăn, chống lại cái đói", chị kể.
Hiện rau đã trở thành đặc sản, có mặt ở nhà hàng sang trọng, có thể chế biến nhiều món ăn như luộc, xào tỏi, xào thịt bò, canh rau dớn...
Trong y học, rau dớn là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng... Theo đông y, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt. Ăn rau dớn giúp máu lưu thông tốt, giải độc và giải nhiệt…
Thấy chị Võ Thị Y trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) bứng từng gốc rau dớn trong rừng về trồng, nhiều người cười chê bảo "rau dại mọc hoang đầy, ai thèm bỏ tiền mua".
Nói về dự định này, chị Y chia sẻ, rau dớn mọc hoang trong rừng ngày xưa chính là món ăn cứu đói của gia đình chị. Trước đây, người ta ít biết về loại rau này. Nhưng khi rau dớn trở thành món đặc sản mang hương vị núi rừng thì ngày càng nhiều người tìm mua.
Chi Y hái một bó rau dớn mang bán giá 20.000 đồng/kg |
Nhận thấy đầu ra sản phẩm thuận lợi, tại địa phương chưa ai trồng nên thử nghiệm. Cuối năm 2019, chị Y cải tạo khu đất trồng hoa màu trong vườn nhà canh tác rau dớn. Mỗi ngày chị cùng người thân vào rừng bứng gốc dớn về trồng trên luống, cây cách nhau hơn 20 cm, phía trên dựng giàn, trải lưới tạo bóng mát.
Thấy chị trồng rau rừng, nhiều người cười bảo rau mọc đầy trong rừng, người ta đi hái về ăn, dại gì bỏ tiền mua. Song chị bỏ ngoài tai, đầu tư tiền của, công sức mở rộng diện tích. Không có kiến thức, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Quá trình trồng, chị bón thêm phân chuồng. Vườn rau trồng theo phương pháp hữu cơ, giữ bản tính hoang dại của loài cây, không phun thuốc bảo vệ thực vật. "Cây sinh trưởng tốt, cho thu hoạch nhanh. Từ lúc trồng xuống sẽ cho thu hoạch lâu dài, cây lại đẻ nhiều nhánh, không phải đi rừng lấy như trước", chị nói.
Ngày nắng nóng, chị tưới nước 1-2 lần, còn mùa mưa không tưới. Từ một sào rau dớn ban đầu, đến nay chị Y đã mở rộng thành hơn bốn sào, vốn đầu tư hết khoảng 60 triệu đồng. Mỗi ngày chị hái 10 kg rau, bán 20.000 đồng/kg.
Bình quân một năm chị Y thu khoảng 60 triệu đồng. "Rau hái xong được thương lái thu mua tại nhà, có bao nhiêu họ lấy hết đưa đi tiêu thụ tại địa phương và TP Đà Nẵng", chị nói.
Chi Y tưới rau |
Thấy vườn rau xanh tốt cho thu nhập ổn định, nhiều người dân lân cận đến tham quan, học hỏi để trồng, song khi làm không đem lại hiệu quả. "Cây rau dớn trồng có vẻ đơn giản nhưng để nó sống và phát triển cho thu hoạch không dễ. Vùng đất trồng phải độ ẩm cao, che lưới cẩn thận. Mùa mưa, người trồng phải thoát nước để cây phát triển, ra đọt", chị chia sẻ.
Cũng theo chị Y, định hướng sắp tới, chị mong muốn mở rộng thêm quy mô vườn, bán giống cây, nhưng hiện kinh phí còn hạn hẹp, nhất là vốn đầu tư lưới phủ.