Sơ lược về rau mùi tàu
Mùi tàu có tên khoa học là Eryngium Foetidum L và có tên gọi khác là ngò gai, mùi gai, ngò tây. Đây là loại cây thuộc họ Hoa tán, có nguồn gốc từ châu Mỹ.
Đặc điểm của rau mùi tàu
Cây mùi tàu là loại cây thân thảo. Nó có các đặc điểm như sau: Thân có chiều dài từ 15 – 20cm. Lá rau mùi tàu hình thuôn dài, có các răng cưa ở 2 bên mép lá. Hoa màu trắng lục. Quả hình cầu, hơi dẹt.
Phân bố rau mùi tàu
Mùi tàu sinh sống ở những nơi có khí hậu nhiệt đới. Tại Việt Nam, mùi tàu được trồng ở khắp nơi, chủ yếu là vùng đồi núi, nhiều nhất ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng.
Mùi tàu là loại rau quen thuộc có rất nhiều công dụng trong ẩm thực cũng như chữa bệnh
Thu hái và sơ chế rau mùi tàu
Mùi tàu thường được trồng quanh năm nên có thể thu hoạch bất cứ vào thời gian nào. Sau khi nhổ cây, bỏ rễ, rửa sạch thì có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Tính vị của rau mùi tàu
Theo Đông y, mùi tàu có tính ấm, mùi thơm, vị cay và hơi đắng.
Thành phần dinh dưỡng của rau mùi tàu
Cây mùi tàu chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Theo nghiên cứu khoa học, trung bình 100g lá mùi tàu chứa các thành phần dinh dưỡng sau: 31 calo; 1,24g chất đạm; 0,2g chất béo; 49mg canxi; 17mg magnesium; 50mg phốt pho; 414mg potassium; 1,01mg vitamin B1; 0,32mg vitamin B2; 0.047 mg vitamin B6; 120 mg vitamin C.
Tác dụng của rau mùi tàu
Nhờ sự kết hợp của các thành phần kể trên mà mùi tàu có các công dụng như hỗ trợ điều trị cảm cúm, tiêu chảy, hôi miệng, cân bằng đường huyết, trị mụn.
Rau mùi tàu hỗ trợ điều trị cảm cúm
Theo Đông y, mùi tàu có tính ấm nên khi kết hợp với gừng, ngải cứu…, vị thảo dược này lại có tác dụng hỗ trợ điều trị cảm cúm nhanh chóng.
Nguyên liệu: 40g rau mùi tàu; 10g gừng; 20g ngải cứu; 20g cúc tần; 400ml nước lọc.
Cách làm: Rửa sạch và thái nhỏ ngải cứu, cúc tần, rau mùi tàu. Gừng mang đi rửa sạch đập dập. Cho tất cả các loại thảo dược trên vào ấm, thêm nước và đun sôi. Đợi đến khi còn khoảng 150ml nước thì tắt bếp rồi mang ra uống nóng.
Mỗi ngày chia thang thuốc trên thành 2 lần. Sau khi uống, bạn nên nằm trong chăn để cơ thể ra nhiều mồ hôi, sau đó lau sạch người bằng khăn khô.
Rau mùi tàu hỗ trợ điều trị hôi miệng
Cây mùi tàu có mùi thơm nên có công dụng đánh bay mùi hôi miệng rất nhanh chóng, hiệu quả, an toàn.
Nguyên liệu: 20g mùi tàu; 100ml nước lọc; Muối trắng
Cách làm: Rửa sạch, thái nhỏ rau mùi tàu. Cho thêm nước vào nồi mùi tàu, đun sôi đến khi nước đặc thì tắt bếp. Cho thêm vài hạt muối trắng và khuấy đều.
Cách áp dụng: Sau khi đánh răng, bạn hãy ngậm nước sắc từ cây mùi tàu trong 30 giây, sau đó súc miệng bằng nước này. Mỗi ngày thực hiện cách trên 1 lần.
Mỗi bộ phận của cây chứa các thành phần với những công dụng khác nhau
Rau mùi tàu trị mụn
Mùi tàu chứa rất nhiều thành phần vitamin C và các loại vitamin khác như B1, B2, B6, giúp tái tạo các tế bào mới, đẩy nhanh quá trình hình thành collagen, mang lại cho bạn 1 làn da mịn màng, hồng hào.
Nguyên liệu: 10g rau mùi tàu tươi
Cách làm: Rửa sạch mùi tàu và dùng cối giã nát. Vắt lấy nước cốt rau mùi tàu, thêm chút nước và trộn với tinh bột nghệ. Sau khi rửa mặt sạch, mang hỗn hợp này đắp lên mặt trong 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
Cách áp dụng: Mỗi tuần áp dụng tối đa 3 lần.
Rau mùi tàu giúp cân bằng đường huyết
Nhớ chứa thành phần chất xơ cao nên mùi tàu giúp giảm cholesterol trong máu, giúp cân bằng đường huyết, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, mỡ máu hiệu quả.
Nguyên liệu: 5g hạt mùi tàu khô; 300ml nước lọc
Cách làm: Rửa sạch hạt rau mùi tàu. Cho hạt mùi tàu, nước vào nồi, đun sôi và để nhỏ lửa trong 3 phút, sau đó tắt bếp. Đợi nước nguội rồi mang ra uống.
Cách áp dụng: Mỗi tuần áp dụng cách trên 4 lần.
Rau mùi tàu hỗ trợ điều trị tiêu chảy
Theo Đông y, mùi tàu có tính ấm, vị cay, hành khí tiêu thũng nên thường được dùng để hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi.
Nguyên liệu: 50g rau mùi tàu; 100g gừng tươi; 400ml nước lọc.
Cách làm: Mùi tàu rửa sạch, cắt khúc khoảng 3 – 4cm. Gừng rửa sạch, đập dập. Cho gừng, mùi tàu vào nồi, đổ thêm nước và đun sôi. Để nhỏ lửa khoảng 3 phút thì tắt bếp.
Cách áp dụng: Chia thang thuốc trên thành 2 lần và uống, mỗi lần uống cách nhau 3 tiếng.
Một số lưu ý khi dùng rau mùi tàu
Mùi tàu rất dễ dùng, lại chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tuy nhiên, khi sử dụng nên có những lưu ý
Cách chọn rau mùi tàu
Mùi tàu là loại cây phổ biến, khá dễ tìm và dễ mua, giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn thì sẽ mua phải rau phun hóa chất, không chất lượng. Do đó, bạn nên chú ý một vài vấn đề dưới đây.
Nên mua rau mùi tàu có lá dày, tươi, màu xanh đậm, nhiều gai.
Tránh mua lá mùi tàu có màu xanh trắng, ít gai.
Những người không nên dùng rau mùi tàu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bạn thuộc một trong những người sau thì không nên dùng cây mùi tàu:
Người bị bệnh gan: Mùi tàu chứa chất oxy hóa cao, nếu người bị bệnh gan dùng nhiều loại thực phẩm này thì sẽ làm tăng bài tiết mật và gây tổn hại cho gan.
Những người dễ bị kích ứng da: Lượng tinh dầu trong hạt và lá rau mùi tàu sẽ khiến người bị kích ứng da dễ bị nổi mẩn đỏ.
Thực phẩm không nên kết hợp với rau mùi tàu
Không phải bất cứ thực phẩm nào cũng có thể kết hợp với mùi tàu, bởi nếu kết hợp không đúng cách sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, thậm chí là gây ngộ độc. Dưới đây là những thực phẩm không nên kết hợp với rau mùi tàu.
Thịt lợn: Mùi tàu có tính ấm, trong khi đó thịt lợn lại có tính hàn. Khi kết hợp 2 thực phẩm này với nhau có thể sẽ gây khó tiêu, đầy bụng.
Nội tạng động vật: Rau mùi tàu kết hợp với nội tạng động vật sẽ khiến cơ thể sản sinh ra ion đồng và sắt, làm giảm giá trị dinh dưỡng có trong thức ăn, thậm chí là gây ngộ độc.
Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin và các tác dụng của rau mùi tàu. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng trị bệnh của mùi tàu hiệu quả nhất và tránh gây nên những tác dụng phụ không đáng có mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ Đông yhoặc những người có chuyên môn trước khi sử dụng.
Yên Thư