![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Trong thời gian gần đây, du lịch cộng đồng ở tỉnh Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng có những bước phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và của từng địa phương nói riêng. Trong quá trình phát triển ấy, có sự tác động đến chính người dân ở những địa phương phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra những thuận lợi cho người dân, song bên cạnh đó, người dân cũng gặp phải những khó khăn nhất định:
Về thuận lợi
- Thứ nhất, do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lí cũng như văn hóa nhân văn, văn hóa bản địa của người dân nên…nên Sa Pa trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, du khách của nhiều quốc gia trên thế giới đã từng đến đây và khen ngợi vẻ đẹp của Sa Pa cùng với văn hóa bản địa nơi đây. Chính vì lẽ đó, người dân thị xã Sa Pa có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên thế giới thông qua các hoạt động tương tác với khách du lịch và đó cũng chính là cơ hội quảng bá rộng rãi văn hóa của các dân tộc trên địa bàn thị xã Sa Pa đến với bạn bè thế giới, là nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch.
Sa Pa là vùng đất tụ cư của 6 tộc người Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xá Phó. Trong nhiều thế kỷ qua, các tộc người này đã lần lượt di cư đến Sa Pa và chọn nơi đây là mảnh đất định cư cho ước vọng sinh tồn. Qua nhiều thế hệ, các tộc người bản địa đã dần chinh phục được mảnh đất nằm bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và biến nơi đây thành những bản làng trù phú với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, độc đáo. Do tập quán sinh sống và canh tác khác nhau mà mỗi tộc người lại có sự phân bố khác nhau trên địa bàn toàn huyện. Mỗi tộc người có một chiều dài lịch sử và bề dày văn hóa riêng nhưng đã đồng lòng tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, góp sức tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất.
Người dân Sa Pa với bốn tộc người tiêu biểu là người Mông, người Dao, người Tày, người Giáy đều là những tộc người nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống như làm đồ thổ cẩm hay làm đồ bạc. Đồ thổ cẩm và đồ bạc của Sa Pa nổi tiếng khắp cả nước và luôn được khách du lịch lựa chọn làm đồ lưu niệm sau mỗi chuyến đi. Các dân tộc ở Sa Pa rất coi trọng trang phục truyền thống tộc người. Tất cả các cô gái đều biết trồng lanh, nhuộm chàm, dệt vải, thêu thùa, may vá, thậm chí những bộ trang phục cũng thể hiện một phần giá trị của một người con gái. Trai, gái, người già, người trẻ đều mặc trang phục truyền thống trong những dịp xuống chợ, đi hội, đi chơi…mỗi tộc người lại có những nét văn hóa riêng, rất độc đáo. Sự giàu có về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn thị xã Sa Pa là một trong những thuận lợi để người dân nơi đây có thể tham gia vào phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
![]() |
Người Dao Đỏ ở Sapa có trang phục rất sặc sỡ |
Thứ hai, trong giai đoạn 2015-2020, tại thị xã Sa Pa, công tác phát triển du lịch cộng đồng bước đầu được quan tâm. Thị xã cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch gắn với phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đây cũng chính là yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch của thị xã nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Đồng thời cũng chính là một trong những thuận lợi tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về du lịch gắn liền với đổi mới nhận thức và tư duy kinh tế về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Tác động không nhỏ đến việc định hướng và quản lý người dân ở địa phương trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Hạn chế tính tự phát trong phát triển du lịch của người dân, theo hướng tự mò mẫm, tự làm theo ý của riêng mình.
Thứ tư, trong thời gian quan vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch được quan tâm và có chiều sâu.. Tính đến năm 2020, có 40% lao động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ được đào tạo. Con số này cũng cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều gia đình phát triển du lịch cộng đồng cũng được tham gia tập huấn những kiến thức cơ bản về du lịch. Việc này cũng góp phần làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ của người dân địa phương trong lĩnh vực du lịch, góp phần làm tăng sự hài lòng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với Sa Pa và mong muốn được quay trở lại.
Thứ năm, khi tham gia vào du lịch cộng đồng, người dân được nâng cao hiểu biết, nhận thức của mình về phát triển du lịch, về văn hóa bản địa, về các địa danh lịch sử, văn hóa tại địa phương.
Thứ sáu, du lịch cộng đồng mang đến cho người dân địa phương việc làm và thu nhập được nâng lên. Thu nhập từ du lịch so với thu nhập làm nghề nông nghiệp của người dân thì du lịch sẽ đem lại thu nhập cao hơn. Đời sống của nhiều hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ngày càng được ổn định và nâng cao. Du lịch cộng đồng phát triển cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các khu du lịch sử dụng sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc địa phương để chế biến các món ăn bản địa. Khách du lịch có thể mua các sản phẩm nông nghiệp của người dân để mang về dùng hoặc làm quà…cũng góp phần kích cầu nông nghiệp cho đồng bào địa phương và giúp họ tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thứ bảy, khi tham gia làm du lịch cộng đồng, người dân ngoài nâng cao kiến thức, nhận thức về du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, người dân còn rèn luyện được nhiều kỹ năng như: kỹ năng phục vụ, kỹ năng tìm hiểu về kiến thức văn hóa bản địa, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ, áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch cộng đồng ( vì nhiều gia đình phát triển du lịch cộng đồng khách tham gia đặt tuor thông qua mạng internet; quảng bá khu du lịch cộng đồng, các mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch…)
Thứ tám, khi phát triển du lịch cộng đồng, người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước, với du khách nước ngoài. Một trong những đòi hỏi cấap thiết là phải biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Đồng bào bản địa để có việc làm, phục vụ du lịch cộng đồng đã học nói tiếng Anh, rất nhiều người đồng bào, nhất là người dân tộc Mông tại thị xã Sa Pa nói tiếng Anh rất thành thạo.
Về khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu kể trên, trên thực tế cũng xuất hiện những khó khăn nhất định đối với người dân khi tham gia du lịch cộng đồng:
Một là, tình trạng một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá sốt sắng dẫn đến làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh theo kiểu “chộp giật” với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế.
Hai là, người dân chưa nhận thức được đầy đủ, điều đầu tiên hấp dẫn và thu hút du khách lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng là việc họ được trải nghiệm một không gian sống mới mang đậm dấu ấn của văn hóa bản địa. Thay vì được nghỉ dưỡng tại khách sạn với các phương tiện hiện đại, ăn những món ăn họ đã biết khi ở quê nhà, khi đến với du lịch cộng đồng, du khách lại có nhu cầu được sinh hoạt trong ngôi nhà truyền thống của người dân bản địa, không chỉ vãn cảnh nghỉ ngơi mà còn được tham gia lao động sản xuất, ăn các món ăn đặc sắc do chính người dân địa phương nấu nướng với gia vị đặc trưng, rồi mua sản vật của địa phương để kỷ niệm, làm quà... Một số người dân thị xã chưa khai thác triệt để lợi thế là nét độc đáo, đặc sắc về văn hóa của vùng miền, tại một số nơi lại đang có cách hiểu, cách làm chưa tương xứng. Phục vụ khách du lịch theo kiểu “tây” với các món ăn “tây”, nhập hàng hóa từ nơi khác về bán cho du khách để có lợi nhuận cao hơn.
Ba là, người dân gặp khó khăn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Như thổi khèn của người Mông, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Dao hay những trang phục truyền thống của người Mông, người Da, người Xa Phó… nhiều khi người dân chưa ý thức được được hết giá trị to lớn của văn hóa nhân văn, văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống nên không biết cách bảo tồn và phát huy những giá trị này.
Bốn là, ở một số nơi, dù người dân đã biết tận dụng khai thác lợi thế của địa phương mình để làm du lịch, nhưng do thiếu tính tổ chức, thiếu sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng “nhà nhà đua nhau làm du lịch”, người người đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, thậm chí tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu hút khách bằng mọi giá... Bên cạnh đó là hiện tượng chèn ép, tăng giá xảy ra ở một số nơi, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch vụ lưu trú chưa thực sự được chú trọng, gây ức chế cho du khách. Chưa kể, vì lợi nhuận trước mắt đã xuất hiện tình trạng người dân ở một số địa phương đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề đã bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của chính địa phương.
Năm là, tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một, chính cộng đồng không quan tâm giữ gìn bản sắc riêng, người dân làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt mà bất chấp hậu quả, các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng,... thì cộng đồng sẽ rất dễ đánh mất cơ hội để phát triển du lịch của chính mình. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà trên thực tế còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao...
Sáu là, thời gian lưu trú tại các khu du lịch cộng đồng chưa dài, cho nên thu nhập của các khu, các gia đình làm du lịch cộng đồng cũng chưa được cao, chưa tương xứng với các tiềm năng thị xã và của người dân nơi đây.
Bảy là, nguồn nhân lực của du lịch cộng đồng tỷ lệ được qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về du lịch cộng đồng, về các kỹ năng phục vụ, am hiểu và khai thác văn hóa bản địa chưa cao. Còn làm việc theo kiểu kinh nghiệm, có gì làm đấy, chưa thực sự chuyên nghiệp và bài bản, do vậy cũng đã để lại không ít ấn tượng không tốt đối với du khách.
Tám là, việc chèo kéo khách du lịch của người đồng bào địa phương cũng đang gây cho du khách khi đến với mảnh đất Sa Pa những ccaasn tương không tốt, hình ảnh những em bé bán hàng rong, ăn mặc phong phanh, đầu trần, chân đất trong những ngày Đông rét mướt; những em bé mặt lấm lem, ngủ gục ngay vệ đường… những em bé thi nhau đeo bám khách du lịch để bán hàng… thực sự đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của vùng đất du lịch Sa Pa.
![]() |
Trẻ em bán hàng rong ở Sa Pa. Ảnh: Travelmag |
Chín là, việc tạo ra sự chuyển đổi, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, nguồn nhân lực du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền thị xã để tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ chuyên nghiệp, từ đó mới mang lại hiệu quả kinh tế cho du lịch và điều kiện sống của người dân được nâng lên.
Mười là, phát triển du lịch cộng đồng cần nghiên cứu đến vấn đề phát triển bền vững, nếu để ô nhiễm môi trường do cơ sở hạ tầng yếu kém, khai thác cạn kiệt tiềm năng du lịch, an ninh trật tự mất kiểm soát, chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không chuyên nghiệp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chính đời sống cũng như thu nhập của người dân.
Mười một là, khi có những biến động của xã hội cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ví dụ như thiên tai, dịch bệnh…trong 2 năm trở lại đây do dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên cả thế giới, ảnh rg đến tất cả mọi quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Tạo rất nhiều khó khăn cho ngành du lịch của các quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng. Du lịch của Sa Pa cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Thời gian này du lịch cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn, người dân gần như không có thu nhập từ du lịch. Thậm chí có những gia đình vay vốn để phát triển du lịch cộng đồng gặp điêu đứng, có những gia đình phải bán rẻ khu du lịch của gia đình… hoặc chuyển đổi sang nghành nghề khác. Do vậy yếu tố khách quan cũng là một vấn đề tác động hai mặt đến phát triển du lịch cộng đồng, đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đến đời sống và thu nhập của người dân.
Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch cộng đồng được xem là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với cộng đồng điểm đến. Để trong thời gian tới, du lịch cộng đồng ở thị xã Sa Pa phát triển bền vững, cần tập trung vào các nhóm giải pháp: tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch cộng đồng của cả hệ thống chính trị và người dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển du lịch cộng đồng; cần có quy hoạch tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã, khắc phục tình trạng phát triển tự phát của người dân; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch của thị xã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng; tạo điều kiên, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch cộng đồng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn du lịch cho thị xã nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng…