![]() |
Giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp kéo dài khiến hàng loạt người dân cho đến doanh nghiệp chăn nuôi heo, bò, gà điêu đứng, thua lỗ nặng. |
Mỗi lứa gà lỗ đến 4-5 tỉ đồng
Khác với không khí nhộn nhịp thường thấy, thời gian qua, trang trại nuôi gà với diện tích gần 10ha, có vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trở nên đìu hiu bởi cả chục chuồng nuôi trống không.
Theo ông Ngọc cho biết trại gà có quy mô hơn 100.000 con gà thịt nhưng do thua lỗ nặng nên phải ngưng nuôi từ hơn 2 tháng qua.
Ông Ngọc tính toán giá thức ăn chăn nuôi hiện ở mức bình quân 13.500 đồng/kg. Để cho ra 1kg gà thịt gà công nghiệp cần từ 1,6kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Như vậy, con gà 2kg tốn khoảng 43.000 đồng tiền thức ăn, cộng 5.000 đồng tiền con giống, thêm chi phí thú y, điện nước, lao động… cũng 53.000 - 55.000 đồng/con.
Trong khi đó, giá gà thịt hiện chỉ ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg (46.000 - 49.000 đồng/con). Mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000 - 5.000 đồng.
"Một lứa gà nuôi chưa tới 2 tháng nhưng trại tôi đã lỗ lên đến 4 - 5 tỉ đồng, tương đương một căn chung cư ở TP.HCM hoặc một lô đất. Vì vậy đành phải ngưng, chứ lỗ kiểu này không thể nào gồng được", ông Ngọc nói.
![]() |
Dù đầu tư hàng chục tỉ đồng vào trại gà, nhưng hơn 2 tháng qua, ông Nguyễn Văn Ngọc (Đồng Nai) đã quyết định "treo chuồng" để cắt lỗ. |
Tìm hiểu tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp cũng đang đứng trước cảnh thua lỗ nặng. Nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, giá thức ăn tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp ở mức cao. Hiện, giá cám dao động ở mức 13.000 - 15.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với năm 2022. Nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.
“Giá gà thành phẩm chỉ đạt 100.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn thì tăng gấp 1/3. Đã vậy thị trường lại khó tiêu thụ. Để duy trì sản xuất, tôi chuyển sang chăn nuôi bằng cám tự chế, đồng thời giảm quy mô đàn từ 2.000 con/lứa xuống còn 1.000 con/lứa” - chị Trần Thị Tuyết ở thôn 5, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) cho hay.
![]() |
Tại Hà Tĩnh, nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp cũng đang đứng trước cảnh thua lỗ nặng. |
Nuôi trâu bò cũng lâm vào thảm cảnh
Huyện Chiêm Hóa là địa phương có tổng đàn trâu lớn bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, huyện có hơn 22.300 con trâu, trong đó có nhiều hộ phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện cũng sở hữ tồng đàn bò 2.600 con.
Từ cuối năm ngoái đến nay, giá trâu xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn nên tổng đàn trâu đã giảm đáng kể. Nếu so với mục tiêu kế hoạch đề ra, đến nay đàn trâu của huyện Chiêm Hóa đã giảm khoảng 5.000 con.
Gia đình anh Hoàng Văn Hà, thôn Đầu Cầu, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa chăn nuôi bò theo hình thức sinh sản được gần 10 năm nay. Những năm trước khi trâu, bò còn được giá, nuôi trâu bò sinh sản đã giúp gia đình anh cũng như nhiều hộ dân ở Chiêm Hóa có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, giá trâu, bò xuống thấp khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đã không dám mở rộng đầu tư phát triển đàn.
![]() |
Giá trâu, bò xuống thấp khiến người chăn nuôi ở Tuyên Quang lao đao. |
Anh Hà cho biết, những năm trước gia đình anh có 40 con bò nuôi theo hình thức sinh sản, đến nay chỉ còn 21 con. Nguyên nhân chính do giá bò xuống quá thấp. Nếu trước kia 1 con bò mẹ sinh sản giá từ 27 đến 30 triệu, nay chỉ còn 18 đến 20 triệu còn bê nuôi 7 tháng có giá 13 triệu đồng giờ chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng.
Nếu với giá này, trừ chi phí đầu tư người chăn nuôi không có lãi. Gia đình anh Hà chủ yếu bỏ công chăm sóc và tận dụng tối đa nguồn cỏ tự nhiên và cỏ trồng tại vườn nên không bị lỗ vốn. Nhưng với những hộ nuôi trâu bò vỗ béo, phải đầu tư thức ăn chăn nuôi, mua cỏ… sẽ bị lỗ rất nặng.
Hiện tổng đàn trâu của toàn tỉnh Tuyên Quang khoảng 90.300 con, bò 38.400 con. Theo ngành NN-PTNT địa phương này, việc trâu, bò xuống giá thấp kéo dài trong nhiều tháng khiến nông dân gặp không ít khó khăn, nguy cơ giảm tổng đàn trong thời gian tới là rất lớn.
Cũng theo đại diện ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân khiến giá trâu bò xuống thấp kéo dài là do nguồn cung thịt gia súc đang vượt cầu, trong khi xuất khẩu gia súc sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.
Mất sổ đỏ bán đất vì nuôi lợn
Gần 20 năm trong nghề chăn nuôi lợn, ông Lê Minh Hiền (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã trải qua bao thăng trầm nhưng chưa có lúc nào ông cảm thấy bấp bênh, hoang mang như giai đoạn này.
Dịch tả lợn châu Phi năm 2019 càn quét qua khiến gia đình ông mất hết. Sau dịch ông vét hết vốn liếng hơn 600 triệu đồng để đầu tư làm chuồng khép kín, với hi vọng không có con virus nào có thể xâm nhập vào. Thế nhưng, khi dịch bệnh chưa kịp qua, cơn bão giá thức ăn chăn nuôi lại ập đến khiến ông dường như sắp ngã quỵ.
Ông Hiền tính toán, để nuôi một con lợn từ nhỏ đến lúc xuất chuồng (khoảng 1 tạ), bình quân hết khoảng 10 bao cám loại 25 kg. Trước đây, giá cám chỉ khoảng 250.000 đồng/bao, nhưng hai năm qua đã tăng đến hơn 350.000 đồng/bao.
Riêng tiền cám giờ hết khoảng 3,5 triệu đồng, con giống khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước, thú y… Trong khi với giá lợn hơi hiện nay, một con lợn xuất chuồng chỉ khoảng 4,8 triệu đồng.
“Tính ra bình quân, người nuôi lỗ từ 500.000 - 1.000.000 đồng mỗi con lợn. Có thời điểm chúng tôi bán hàng trăm con, lỗ cả hàng trăm triệu đồng. Với đàn lợn còn khoảng 200 con ở tuổi xuất chuồng, giờ càng nuôi càng lỗ chỏng vó”, ông Hiền nói.
![]() |
Ông Lê Minh Hiền cho biết, giá cám tăng cao khiến người chăn nuôi đang kiệt sức, lỗ nặng. |
Sức tàn phá của "cơn bão" giá thức ăn chăn nuôi với người dân tại xã trọng điểm nuôi lợn còn ghê gớm hơn. Ông Lý Văn Tĩnh (xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên) là một trong số đó.
Với gần 1.000 con lợn thịt, gia đình ông Tĩnh đã phải bán hơn 200 m2 đất thổ cư mới có tiền bù lỗ, trả nợ tiền cám. Khiếp vía với cảnh càng nuôi càng lỗ, hiện giờ ông Tĩnh đã “treo” chuồng để đi làm thuê ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng.
Ông Hoàng Ngọc Hiếu - cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y xã Liên Nghĩa - cho biết, cách nay 5 năm toàn xã Liên Nghĩa có 96 hộ, trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn đạt gần 8.000 con. Do chăn nuôi thua lỗ kéo dài, tới đầu tháng 3 năm nay tổng đàn lợn của xã đã giảm xuống chỉ còn 3.450 con tại 19 hộ chăn nuôi còn bám trụ.
Theo ông Hiếu, hiện giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi vào khoảng 57.000 đồng, trong khi giá bán chỉ 49.000 đồng/kg, người dân chỉ lo tiền lãi suất ngân hàng đã đủ ốm.
"Hàng loạt hộ nuôi lợn không chịu được nhiệt phải bỏ nghề chuyển việc khác như công nhân, thợ xây, thợ hồ… Có người thậm chí vỡ nợ, mất cả sổ đỏ phải bỏ làng đi nơi khác", ông Hiếu nói.
Thiếu giải pháp cấp bách, chăn nuôi nông hộ sẽ bị xóa sổ
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vài năm trước chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 70% tổng đàn lợn của tỉnh, nhưng giờ chỉ còn khoảng 20 - 30%/tổng đàn 2,7 triệu con, còn lại đã rơi vào tay các doanh nghiệp.
"Nếu tình hình này kéo dài, lượng heo nuôi từ trại nhỏ lẻ trong năm tới chắc chỉ còn chiếm khoảng 10 - 15%/tổng đàn, thậm chí nhiều vùng nuôi lớn sẽ bị xóa sổ vì người dân bị thua lỗ kéo dài, không có vốn tái đầu tư", ông Đoán nhận định.
Cũng theo ông Đoán, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi rất cần thiết lúc này, nhưng tác động đến tay người nuôi nhỏ lẻ chưa nhiều. Do đó, cần thêm các giải pháp khác.
![]() |
Trại lợn của gia đình ông Tĩnh đầu tư hàng trăm triệu đồng phải bỏ trống vì không chịu được nhiệt cơn bão giá thức ăn chăn nuôi. |
Tương tự, theo TS Nguyễn Quốc Đạt - phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, do khó khăn kéo dài nên từ 4 triệu hộ chăn nuôi trước đó hiện cả nước chỉ còn 2 triệu hộ. Đây thật sự là một vấn đề quan trọng cần tìm ra giải pháp.
TS Nguyễn Quốc Đạt cho biết, do giá thức ăn quá cao mà giá bán đầu ra lại thấp, dẫn đến thua lỗ nặng nề và kéo dài. Vì thế, bài toán đặt ra là phải giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ.
Ngoài ra, đang có một số vấn đề về thị trường đầu ra cũng sớm cần tìm giải pháp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc tiết giảm giá thành bằng cách tăng chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn, tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nước làm thức ăn chăn nuôi, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Để công bằng với ngành chăn nuôi trong nước, Nhà nước cần có giải pháp siết chặt thị trường thịt nhập khẩu, sản phẩm đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ, chất lượng trôi nổi hiện nay.
Theo ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - cho rằng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động được nguồn con giống, thức ăn, có quy trình nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt... nên giá thành sản xuất thường thấp hơn nhiều so với nông hộ. Do đó, với giá bán thấp kéo dài hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ sẽ không thể tồn tại./.