Ngành chăn nuôi Việt với nỗi lo thực phẩm ngoại Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, xuất khẩu Xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0% để “cứu” ngành chăn nuôi |
Những khó khăn đã khiến số lượng hộ chăn nuôi rơi rụng dần vì thua lỗ, phá sản. |
Hàng triệu hộ chăn nuôi phá sản vì thiếu gói vay vốn ưu đãi
Nhận định về thực trạng ngành chăn nuôi thời gian qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: Cách đây 10 năm, chúng ta có 10 triệu hộ chăn nuôi, cách đây 3 năm là 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Tức là, 8 triệu hộ chăn nuôi đã phải rời bỏ cuộc chơi.
Ông Công cũng nhận định, gần như công ty, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Nhưng lúc này, họ gần như không thể tiếp cận nhà băng. Nhiều lúc, nhìn cảnh đàn vật nuôi đói, họ đành đi vay nóng mua cám. Khó khăn càng thêm chồng chất.
Để khẩn cấp cứu nguy, ông Công mong người chăn nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19. Ông kiến nghị các ngân hàng tiếp tục gia hạn các gói tín dụng ưu đãi, triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, điều này rất cần kíp. Bởi, trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn có thể phá sản ngay.
Người chăn nuôi lâm vào tình trạng thua lỗ còn có nguyên nhân không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. |
Hiện nay, các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Nhưng khảo sát sơ bộ thực tế, chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này.
“Chúng tôi mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ”, ông Công đề đạt.
Ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết. Đồng thời, có lãi suất ưu đãi để các trang trại chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất. Có ngân hàng đã từ chối cho vay vốn với lĩnh vực chăn nuôi.
Nhập lậu tràn lan xuất khẩu teo tóp , ngành chăn nuôi "thua" trên sân nhà
Trước tình trạng nhập khẩu chính ngạch, hàng lậu vào tràn lan, người chăn nuôi, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kiến nghị ngăn chặn ngay tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; tăng cường các biện pháp phi thuế quan, hạn chế nhập siêu các sản phẩm gia cầm để bảo vệ sản xuất trong nước. Bởi, nếu không kiểm soát được vấn đề này, ngành chăn nuôi nội địa có thể bị “giết chết”.
Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi lớn có quy mô đàn gia cầm hơn 1 triệu con, đàn lợn 300.000 con cũng đề xuất cơ quan chức năng tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, cơ quan chức năng cần giám sát chặt, đặc biệt là vấn đề môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc làm thủ tục xuất khẩu trứng gia cầm.
Rất nhiều nhà nhập khẩu ở Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore muốn mua trứng của công ty. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ký kết với các thị trường này để được xuất khẩu trứng nên doanh nghiệp đành “bó tay”. Nếu xuất khẩu được sẽ giảm áp lực tiêu thụ trứng tại thị trường nội địa, vị này chia sẻ.
Gà thải loại từ nước ngoài đang ồ ạt về Việt Nam. |
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho rằng, nên xem xét xây dựng đề án trồng lúa phục vụ làm thức ăn chăn nuôi. Thái Lan đã có chương trình sản xuất thức chăn nuôi. Các giống lúa này không cần chất lượng cao nhưng năng suất rất cao, tới 8,8 tấn/ha. Qua đó, cho sản phẩm gạo giá thành thấp phù hợp làm thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực nhập khẩu.
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 7 bộ liên quan về các giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi gia cầm, như rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục không cần thiết.
Điển hình là quy định với khách hàng nhỏ lẻ đặt mua một đơn hàng chỉ 5-10kg thịt nhưng vẫn bị tính là một lô hàng và thu phí 100.000 đồng, bằng phí kiểm dịch một container, làm tăng chi phí sản xuất. Hay, giảm ít nhất 50% phí kiểm dịch giết mổ trên 1 con gia cầm (hiện là 200 đồng/con).
Cần chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, ngành chăn nuôi cần liên kết
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), các doanh nghiệp phải tìm ra cách hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Giải pháp triển khai được ngay là đoàn kết, tăng cường phối hợp liên kết sản xuất. Cần liên kết các doanh nghiệp làm một khâu thành chuỗi giá trị để có thể điều phối cân bằng đầu vào và đầu ra cho các đối tác, từ đó phân chia lợi nhuận công bằng hơn.
"Các hộ chăn nuôi cũng cần tham gia tổ đội, làm liên kết ngang cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm", ông Chinh đề xuất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta không thể cứ ngồi chờ. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng.
Ông yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, tìm cơ chế chính sách cho người trồng sắn, trồng ngô, các doanh nghiệp đã vào cuộc rồi thì thu mua thế nào, cây giống ra sao để có nguồn nguyên liệu chủ động hơn.
Người chăn nuôi cần liên kết bền vững nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động từ sản xuất tới thị trường. |
Thứ trưởng Tiến cũng chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết là giống, thức ăn và đất đai. Với các doanh nghiệp chăn nuôi, trong thời điểm này, không nên bi quan mà cần tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, xúc tiến thương mại.
“Các doanh nghiệp có khúc mắc mà không tự giải quyết được, cứ nhắn tin cho tôi. Dù đêm hôm sớm tối, tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất chia sẻ và mong các doanh nghiệp, từ FDI đến trong nước, chăn nuôi, thú y, thức ăn chăn nuôi đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, đoàn kết thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức hiện tại”, ông Tiến nhấn mạnh.
Có thể thấy, chưa khi nào ngành chăn nuôi Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài như hiện nay. Từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đều lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Một trong những yếu tố khiến ngành chăn nuôi lâm vào ngõ cụt chính là tình trạng chăn nuôi thiếu quy hoạch dẫn tới cung cao hơn cầu, công thêm chi phí chăn nuôi tăng khiến giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh để xuất khẩu. Bởi vậy, để phát triển bền vững nghành chăn nuôi phải cự liên kết bền vững hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tới thị trường./.