Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, kiểm lâm và quần chúng nhân dân trong việc ngăn chặn và dập tắt đám cháy rừng xảy ra trong các ngày từ 26-28/6 tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thời gian tới, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, còn nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao, gây ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng, đời sống của người dân, sự an toàn của hệ thống truyền tải điện quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 776/CĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không để lặp lại tình trạng cháy rừng xảy ra trên diện rộng như trong tháng 6 và tháng 7 năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc ngăn chặn và dập tắt đám cháy rừng xảy ra trong các ngày từ 26-28/6 tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo, đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả; rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “phòng là chính”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đến thời điểm trưa nay (30/6), toàn bộ các điểm cháy tại Nghệ An đã được dập tắt. Bằng mắt thường quan sát, có thể ước tính đã thiệt hại khoảng 70-80 ha rừng tại tỉnh Nghệ An.
Còn tại Hà Tĩnh, có mặt tại khu vực cháy huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) cho biết, đám cháy rừng bùng phát vào buổi tối 29/6, ở khu vực xã Ân Phú, huyện Vũ Quang và điểm phát lửa ở núi Mồng Gà thuộc địa phận xã Sơn Long, huyện Hương Sơn. Do thời tiết nắng nóng kèm theo gió Lào thổi mạnh nên ngọn lửa nhanh chóng lây lan.
Khu vực tái bùng phát cháy rừng tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm, địa hình khu vực cháy khá hiểm trở, phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ để leo lên tiếp cận và xử lý, các phương tiện chữa cháy khá thô sơ, các xe chữa cháy và cứu thương hầu như chỉ đứng được dưới chân núi để hỗ trợ khi có thể.
Được biết, các khu vực cháy chủ yếu là các cây nhỏ dạng lau lách, thực bì, có một số diện tích rừng trồng nhưng tuổi đời còn non nên thiệt hại về kinh tế ước tính ban đầu mất mát chưa quá lớn. “Điều chúng tôi lo nhất là rừng phòng hộ Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) cách đây khoảng 1 km có nguy cơ bị ảnh hưởng với tình hình hiện nay. Đây không chỉ là rừng phòng hộ mà có cả rừng sản xuất với khối lượng cây trồng có tuổi đời lâu năm rất lớn”, ông Thiện cho biết.
Để ngăn chặn việc này, hiện các lực lượng chữa cháy phải phát quang tầm 20 m để cản lửa không lan rộng. Một khó khăn nữa là các lực lượng chữa cháy cũng đã làm việc nhiều ngày nay nên khá mệt mỏi trong khi diễn biến các đám cháy còn rất phức tạp. Hiện lực lượng kiểm lâm chỉ đủ duy trì tại chỗ, phối hợp hướng dẫn kỹ thuật cho các lực lượng chữa cháy và bảo vệ tại chỗ của các khu rừng trong khu vực.
Minh Nhật