Khẩu phần ăn theo chế độ "eat clean" |
“Eat clean” là gì?
"Eat clean" sử dụng các loại thực phẩm càng gần với trạng thái tự nhiên, sạch. Người theo đuổi chế độ ăn này sẽ sử dụng những thức ăn dưới dạng nguyên thủy nhất, ít chế biến nhất, ăn những nguyên liệu cơ bản và tự nhiên, không sử dụng các chất bảo quản chất tạo màu, tối giản quá trình chế biến và hạn chế đưa gia vị vào để cảm nhận được hương vị tự nhiên nhất. Đồng thời, hạn chế thực phẩm ăn nhanh đã qua chế biến, đồ ngọt và các loại thực phẩm đóng gói khác.
Đối tượng phù hợp sử dụng
Người mong muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, vóc dáng cân đối.
Người mong muốn có làn da căng bóng, tươi sáng.
Người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch.
Bất cứ đối tượng vào quan tâm đến vấn đề sức khỏe.
Ưu điểm
Kiểm soát cân nặng, lượng cơ và mỡ trong cơ thể. Từ đó cải thiện được vóc dáng của bạn và có một cơ thể khỏe mạnh.
Kiểm soát viêm và tăng cường miễn dịch.
Trạng thái tinh thần được cải thiện đáng kể. Tăng khả năng tập trung.
Giảm cảm giác thèm ăn.
Da căng bóng, tươi sáng hơn, tóc và móng chắc khoẻ hơn,
Giảm tiêu thụ đường sẽ giảm bớt nhiều nguy cơ bệnh tật. (Ví dụ như đái tháo đường type II, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch.)
Cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nhược điểm
"Ăn sạch" có thể dẫn đến một chế độ ăn kiêng cứng nhắc cấm toàn bộ thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm như ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc có chứa gluten, đậu nành, các loại đậu và sữa.
Khi duy trì lâu dài cơ thể có thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nếu lựa chọn thực phẩm quá hạn chế. Trong một số trường hợp, ăn sạch, đặc biệt là ở những hình thức cứng nhắc hơn, có thể trở thành một chế độ ăn kiêng ít hơn là có thể dẫn đến rối loạn ăn uống.
Chuẩn bị một bữa Eat clean khá tốn kém vì giá thành của những nguyên liệu sạch không hề rẻ.
Cân nhắc khi lựa chọn chế độ “eat clean”
Ăn thực phẩm tươi sống tuy cũng có nhiều mặt tốt nhưng không có nghĩa là sẽ nhận được nhiều dinh dưỡng nhất và cần lưu ý đến những mặt trái của nó.
Thiếu dinh dưỡng và ngộ độc thực phẩm
Khẩu phần ăn nghèo nàn có thể gây thiếu dinh dưỡng |
Thiếu dinh dưỡng và ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus hoặc độc tố trong thực phẩm đó chưa được phá vỡ khi còn sống như các loại đậu có chứa saponin và legumin, khi cơ thể bị ngộ độc bởi hai hoạt chất này thường có biểu hiện như ói mửa, đau bụng và dẫn đến tiêu chảy, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, saponin và legumin là hai độc tố có thể bị phá vỡ khi gặp nhiệt độ cao, nên chế biến và làm chín ở nhiệt độ cao sẽ an toàn khi sử dụng.
Ăn sống các loại rau có nguy cơ gây tiêu chảy do E.coli, Salmonella, Staphyococcus, Campylobacteria, giun xoắn ký sinh, virus viêm gan A, viêm gan E… Khi nấu chín ở nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt được nhiều vi khuẩn.
Lựa chọn nguồn tin không chính thống
Hiện nay, có rất nhiều công thức trên mạng ở địa chỉ không chính thống thậm chí còn đi ngược lại với cả những kiến thức về dinh dưỡng vốn là những nguyên tắc tốt cho sức khỏe hoặc đảm bảo sự tăng trưởng. Nhưng chúng ta cần phải cân nhắc để tránh tình trạng lấy thông tin từ những nguồn tin không chính thống của những người không phải là các chuyên gia trong ngành. Như vậy sẽ dễ bị mất cân đối về dinh dưỡng cho cơ thể.
Lời khuyên khi theo đuổi chế độ “eat clean”
Nên rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước sạch và có thể ngâm qua nước muối loãng.
Uống đủ nước, khoảng 2 lít/ ngày. Nước ở đây bao gồm cả nước lọc, canh, súp…
Vệ sinh các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, chén dĩa phải sạch sẽ nếu không đây sẽ là nguồn lây bệnh.
Bàn tay của người làm bếp phải sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn, virus vào thực phẩm.
Cần phải kết hợp chế độ ăn Eat-Clean với tập thể dục để tăng sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch, chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh.
Kết hợp tập thể dục để tăng cường sức khỏe |
Để ý tới phản ứng của cơ thể với chế độ ăn này, nếu thấy rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, đầy hơi, mất nước, trào ngược dạ dày... có thể cơ thể ăn quá nhiều đồ tươi sống, nên giảm bớt hoặc thay đổi chế độ ăn.
Đừng quá thần thánh và lạm dụng chế độ ăn này, nếu ăn vì mục đích giảm cân khi thực sự bạn cần giảm cân vì lý do sức khỏe theo yêu cầu của thầy thuốc thì đó là sự hợp lý. Nếu tự ăn vì ám ảnh cân nặng hay mục đích ép cân hay giữ dáng cần phải xem lại.
Ăn uống đa dạng và rau củ tươi sống là một phần trong đó mà thôi. Mỗi ngày một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 phần rau củ và trái cây (với người trưởng thành, 1 phần rau củ, trái cây tương đương khoảng 80g), tương đương với 400g. Đây cũng là định mức được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đưa ra. Y học cổ truyền cũng có lời khuyên cái gì thái quá sẽ bất cập, ăn nhiều đồ tươi sống sẽ làm hại tỳ vị.
Trong ăn uống và dinh dưỡng không nên chạy theo trào lưu: ăn thải độc, ăn theo tự nhiên hoặc “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”, ăn kiêng khem theo truyền miệng, theo công thức từ nguồn tin không chính thống,… Nếu thấy cơ thể có vấn đề về ăn uống nên đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng để có lời khuyên ăn uống phù hợp.
“Eat clean” đã trở thành xu hướng trong nhiều năm qua nhất là trong giới trẻ, khi mà thời đại công nghệ số bùng nổ với nhiều nền tảng mạng xã hội tiếp cận. Cùng với nhu cầu sống khỏe, làm đẹp, đã khiến trào lưu này ngày càng được lan rộng tới nhiều người hơn vì được cho rằng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người theo đuổi.
Hiện nay, với vô vàn công thức có thể dễ dàng tìm được trên khi truy cập internet, nhưng chúng ta cần phải cân nhắc để tránh tình trạng lấy thông tin từ những luồng tin không chính thống của những người không phải là các chuyên gia trong ngành, tránh bị mất cân đối về dinh dưỡng cho cơ thể.