Nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao?
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào. Không phải cứ cholesterol là xấu hay có hại cho cơ thể con người. Thống kê tại Mỹ cho thấy, có khoảng 100 triệu người Mỹ liên quan đến cholesterol cao.
Cholesterol có 2 loại là LDL -cholesterol (là cholesterol xấu, có hại) và HDL-cholesterol (là cholesterol tốt, có lợi). HDL-cholesterol hoạt động như một thỏi nam châm thu thập cholesterol xấu và di chuyển nó ra khỏi động mạch, loại ra khỏi cơ thể, đưa chúng trở lại gan hoặc được sử dụng để tạo ra hormone.
Nếu hàm lượng LDL-cholesterol tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng tích tụ mảng bám trong thành động mạch gây xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng động mạch, từ đó gây ra các vấn đề tim mạch khác.
Nhiều người cho rằng sở dĩ bị mỡ máu/cholesterol cao là do ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, điều này có phần đúng, nhưng chưa đủ. Bởi cholesterol được tạo ra bởi chính cơ thể của chúng ta. Gan sản xuất 75% lượng cholesterol lưu thông trong máu, 25% còn lại đến từ thức ăn.
Những người có nguy cơ bị tăng cholesterol, mỡ máu cao: Tiền sử gia đình có cholesterol máu cao (mắc mỡ máu có tính chất gia đình); chế độ ăn uống quá nhiều chất béo bão hòa; người bị thừa cân, béo phì, ít vận động; người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh suy giáp; người uống nhiều rượu bia, bị rối loạn chuyển hóa…
Ăn gì để giảm mỡ máu?
Bác sỹ y khoa Dean Ornish, Giáo sư Y khoa Lâm sàng tại Đại học California, San Francisco đã công bố nghiên cứu cho thấy một chế độ dinh dưỡng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ít dầu mỡ, kiểm soát căng thẳng và tập thể dục vừa phải có thể làm giảm sự tích tụ mảng xơ vữa bên trong các động mạch. Một nghiên cứu khác cũng ủng hộ ý kiến cho rằng giảm lượng cholesterol cao có thể phần nào giúp khai thông các động mạch bị tắc.
Bên cạnh việc thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, tránh thức khuya, không hút thuốc lá, không uống rượu bia…. giúp bạn giảm mỡ máu, chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần quan trọng giảm cholesterol cực kỳ hiệu quả. Dưới đây là những nguyên tắc và các loại thực phẩm mà bạn nên ăn để hỗ trợ giảm mỡ máu, cholesterol của bạn.
Ăn nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol
Thay đổi chế độ ăn uống một cách mạnh mẽ để giảm mỡ máu hoặc cholesterol cao đòi hỏi sự kiên trì và thời gian dài.
Có một số loại ngũ cốc giàu chất xơ hòa tan tốt cho tim mạch, giúp giảm LDL- cholesterol, cholesterol xấu. Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu của bạn và nó làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan bao gồm: Yến mạch, Đậu lăng, đậu Hà Lan và các loại đậu, Mã đề, Lúa mạch, Trái cây và rau quả (chẳng hạn như táo và cà rốt).
Tránh sử dụng chất béo dạng trans
Chất béo dạng trans, đặc biệt là các chất béo dạng trans sản xuất công nghiệp, gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người, bao gồm cả việc làm tăng mỡ máu. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn chế độ ăn với hàm lượng chất béo dạng trans ở mức trung bình hoặc mức cao sẽ có nồng độ mỡ máu cao hơn rõ rệt so với những người sử dụng nhiều acid oleic không bão hòa.
Một nghiên cứu khác kéo dài trong 3 tuần cũng cho kết quả tương tự, những người ăn nhiều chất béo dạng trans có nồng độ mỡ máu cao hơn những người tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa.
Sử dụng nhiều chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm mỡ máu, bên cạnh rất nhiều các lợi ích khác cho sức khỏe đã được biết tới.
Chất béo không bão hòa gồm chất béo không bão hòa đơn (có nhiều trong dầu olive, các loại hạt và quả bơ) và chất béo không bão hòa đa (có nhiều trong dầu thực vật và các loại cá nhiều dầu). Hãy tích cực ăn các loại cá nhiều dầu (như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ,...) và sử dụng dầu olive, vì chúng vừa có tác dụng làm giảm mỡ máu, vừa có rất nhiều các lợi ích khác đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Thêm nhiều các loại hạt vào chế độ ăn
Các loại hạt (bao gồm hạt hạnh nhân, hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt mắc ca,...) vốn được biết tới chứa nhiều chất xơ, acid béo omega - 3 và các chất béo không bão hòa, không chỉ giúp làm giảm nồng độ mỡ máu, mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Chất đạm từ thực vật giúp ổn định cholesterol
Thịt và sữa nguyên chất béo cung cấp nhiều chất đạm (protein), nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp cholesterol chính. Bạn có thể giảm LDL- cholesterol bằng cách chuyển sang protein từ đậu nành như đậu phụ vào các bữa ăn của mình.
Cá là một lựa chọn tuyệt vời. Một số loại cá, như cá hồi, rất giàu axit béo omega-3, có thể cải thiện mức cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá ít nhất hai lần một tuần.
Chế độ ăn Low-carb (ít tinh bột) hỗ trợ giảm cholesterol
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn kiêng low-carb ít chất béo có thể cải thiện mức cholesterol trong máu.
Trong một nghiên cứu kéo dài hai năm do Viện Y tế Quốc gia của Mỹ thực hiện cho biết, những người theo kế hoạch ăn low-carb có nồng độ HDL (cholesterol tốt) tốt hơn đáng kể so với những người ăn giảm chất béo.
Hạn chế sử dụng rượu
Về bản chất, rượu chứa hàm lượng cao đường và năng lượng, và nếu lượng năng lượng này không được tiêu hao, chúng sẽ được chuyển hóa thành các triglyceride, rồi tích tụ trong các tế bào mỡ.
Mặc dù có sự ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ rượu ở mức độ trung bình có thể làm tăng nồng độ mỡ máu lên tới 53%, kể cả khi nồng độ mỡ máu ban đầu ở mức bình thường.
Tuy sử dụng rượu ở mức vừa phải có mang lại một số lợi ích nhất định (đặc biệt là làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch), nhưng lợi ích chỉ đạt được khi sử dụng đúng mức, còn nếu sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng rượu chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe cũng như hành vi xã hội.