Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP năm 2022 Tiền Giang công bố thêm 21 sản phẩm OCOP |
Cụ thể, Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia dự thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Huyện Thạch Thất năm 2021. |
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình OCOP, lãnh đạo huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận OCOP. |
Nhờ đó đến hết năm 2021, huyện Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng. Trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Sản phẩm mặt hàng gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức ở thôn 4, xã Canh Nậu; sản phẩm các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Ngải ở thôn 4, xã Hương Ngải; sản phẩm mặt hàng tủ chè gỗ trắc, tượng phật di lặc gỗ trắc, sạp gỗ trắc… của hộ kinh doanh Phí Đình Tuấn ở xã Chàng Sơn; Rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình....
Cũng trong năm 2022, huyện Thạch Thất đăng ký phấn đấu 30 sản phẩm OCOP, theo đó, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đánh giá phân hạng. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có thêm 300 sản phẩm được công nhận từ 3-5 sao. Đồng thời, tiếp tục củng cố duy trì, nâng cao chất lượng 142 sản phẩm đã được Thành phố quyết đinh phân hạng, trong đó quan tâm đến một số sản phẩm rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có tiềm năng đạt 5 sao.
Để đạt mục tiêu có 30 sản phẩm tham gia OCOP trong năm 2022, Ông Hoàng Chí Lượng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều hiểu vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP. …Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… để từ đó gia tăng giá trị các sản phẩm OCOP”.
Ông Hoàng Chí Lượng cũng nhấn mạnh cần xác định rõ vai trò và tầm nhìn của Chương trình OCOP và xem đây là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, là sinh kế để nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế nông thôn.