Sầu riêng được bán tại một siêu thị Walmart ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Sầu riêng được chọn làm quà cưới, quà đính hôn
Sầu riêng trở thành lựa chọn thay thế các món quà biếu truyền thống và được xem là một món quà tặng thời thượng ở Trung Quốc.
Tại một huyện nông thôn thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, người dân thường gửi tặng 4-6 món quà cho bạn bè, người thân khi đính hôn hoặc kết hôn. Quà tặng thường là nho, giăm bông, xúc xích, sữa và nấm khô. Tuy nhiên, hiện nay, sầu riêng đang ngày càng được ưa chuộng trong những dịp này.
“Em họ của tôi đã đính hôn vào tháng trước. Mẹ chồng tôi yêu cầu thay nho bằng sầu riêng vì cho rằng, quà tặng sẽ trang trọng và thời thượng hơn" - Ma Qian, 20 tuổi, điều hành một xưởng vẽ tranh cho trẻ em ở huyện Miyang, tỉnh Hà Nam, cho biết.
“Mẹ chồng tôi và nhiều người dân địa phương lần đầu ăn sầu riêng trong năm nay và nhanh chóng thích hương vị này. Điều buồn cười là mẹ chồng tôi vốn là một phụ nữ nông thôn tằn tiện điển hình, nay lại gợi ý mua sầu riêng. Người xưa tin rằng, sầu riêng rất bổ dưỡng và ăn một quả sầu riêng bằng ăn 3 con gà" - Ma Qian chia sẻ thêm.
"Sầu riêng đang là mặt hàng thời thượng nhất trong giới trẻ tỉnh lẻ. Tại các quán cà phê đều phục vụ bánh crepe sầu riêng, sầu riêng dừa xay", Ma Qian nói. "Chúng tôi muốn mỗi tháng mua một quả ăn cùng gia đình. Giá dao động từ 40 tới 60 tệ/kg (5,6-8,4 USD)".
"Bây giờ, mọi người hay bàn chuyện làm thế nào để chọn được trái sầu riêng ngon như cuống dày, quả tròn, gai ngắn. Còn việc nó trồng ở đâu, chúng tôi không quan tâm lắm", Ma Qian giải thích.
Zhang Liang - tài xế xe tải ở Kinh Châu, thành phố cấp huyện ở miền trung Trung Quốc - đã gửi một quả sầu riêng trị giá hơn 300 nhân dân tệ (41 USD) cho vợ làm quà sinh nhật.
“Những người độc thân địa phương thường mang nho, đào và rượu vang trắng tới nhà bạn gái, nhưng hiện tại họ chỉ cần một hộp sầu riêng là mẹ vợ tương lai đã thấy hãnh diện với hàng xóm" - Zhang nói.
Nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400%
Khách hàng mua sầu riêng ở chợ bán sỉ trái cây ở châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia |
Theo báo cáo của HSBC công bố hồi tuần trước, nhu cầu sầu riêng toàn cầu trong quí 1-2023 tăng 400% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này cho biết nhu cầu này phần lớn được thúc đẩy bởi “cơn sốt” loại trái cây ở Trung Quốc.
“Đi ngược lại xu hướng tiêu dùng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc”, báo cáo của HSBC cho biết.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng trị giá 6 tỉ đô la. chiếm 91% nhu cầu toàn cầu, nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC cho biết trong báo cáo.
“Xuất khẩu sầu riêng của ASEAN đang tăng trưởng mạnh, có thể hiểu theo nghĩa đen, khối này đã thực hiện hàng nghìn chuyến tàu xuất khẩu sầu riêng qua đường biển”, theo báo cáo.
Cơn bùng nổ sầu riêng phần lớn tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có và sự quý trọng của người tặng.
Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu tăng từ đầu năm 2017, nhu cầu thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi với giá trị lên đến 4 tỉ đô la, nhiều gấp bốn lần so với năm 2017.
Loại “trái cây vua” này được bán với giá hơn 10 đô la/kg ở Trung Quốc, so với mức trung bình khoảng 6 đô la/kg ở các nước Đông Nam Á.
Các nước ASEAN là nhà cung cấp chính cho nhu cầu tăng đột biến này, chiếm 90% lượng xuất khẩu sầu riêng của thế giới vào năm 2022.
Chỉ riêng Thái Lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng trong khối ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
“Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ vợ (chồng) tương lai một quả sầu riêng sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới”, Dacanay nói.
Nhà kinh tế này cho biết, nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho các nước khác của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.