Gà trống thiến có hình dạng to gấp 3 đến 4 lần gà bình thường |
Ngày Tết nhà nhà đều làm những mâm cỗ cùng gà trống luộc được bày rất đẹp trên bàn với mong muốn cầu cho mọi hạnh phúc sẽ mang đến cho gia đình, người thân mình. Và để bày tỏ thành ý hơn người Việt thường chọn những con gà trống thiến cúng trong những ngày trọng đại này.
Theo tín ngưỡng người Việt, hình tượng con gà đã không còn xa lạ gì. Gà gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa cộng đồng, từ ẩm thực cho đến các hoạt động tâm linh.
Các chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống cho biết gà là biểu tượng của mặt trời, báo hiệu của một ngày mới, sự mới mẻ bắt đầu.
Theo phong tục người Việt, cúng đêm giao thừa là cúng 12 vị thần thời gian để kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới nên người ta chọn gà trống để cúng nhưng phải là gà trống choai, không khuyết tật, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng và quan trọng nhất là vẫn còn tinh khiết chưa đạp mái thế nên người ta thường chọn mua gà trống thiến để đảm bảo rằng gà trống này còn tinh khiết.
Sự cầu kỳ trong việc lựa chọn gà cúng lễ cũng thể hiện ước vọng của người Việt, mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ.
Gà trống mặc dù lớn hơn gà mái nhưng thịt dai và không ngon thế nên người nông dân muốn vỗ béo gà trống thì cần phải thiến những con gà mới chập chững gáy. Như vậy sau khi thiến, gà trống sẽ bớt hung hăng, bớt hiếu động, và dễ tăng cân hơn.
Từ đó gà trống thiến có hình dạng to gấp 3 đến 4 lần gà bình thường, thịt gà sẽ mềm, ngọt, không nhão như gà tây, có nhiều mỡ, da dày và giòn, sau khi luộc gà ngả màu vàng óng rất là đẹp.
Vì thịt gà trống thiến ngon như vậy nên người VIệt thường dùng gà trống thiến để ăn vào những ngày Tết hay đem biếu tặng. Trong dân gian Việt Nam có câu ca dao miêu tả thịt gà trống thiến thuộc hàng ngon:
"Chập chập thôi lại cheng cheng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy"
Làm mâm cỗ cúng ngày Tết là việc hệ trọng trong gia đình người Việt, đó không chỉ là phong tục cần phải lưu truyền mà còn thể hiện thành ý nhớ về tổ tiên, nhớ về cội nguồn, mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình nhân dịp năm mới. Chính lẽ đó mà gà trống cúng luôn được lựa chọn rất kỹ càng. Hiện nay người Việt nhất là tại thành thị đã không quan trọng việc chọn gà trống thường hay trống thiến khi cúng nữa nhưng với nhiều người, mong muốn cho sự ấm no hạnh phúc, người ta vẫn chọn lấy những con gà trống thiến ngon nhất để dâng cúng cho tổ tiên ngày Tết.
Anh Hoàng Văn Hoành có thu nhập cao từ nuôi gà trống thiến |
Anh Hoàng Văn Hoành, dân tộc Tày, thôn Trung xã Bằng Lang huyện Quang Bình (Hà Giang), là một trong những tấm gương điển hình của xã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ phát triển chăn nuôi gà theo qui mô trang trại.
Từ năm 2018, nhờ biết tận dụng thế mạnh của gia đình có diện tích vườn đồi rộng, anh Hoành đã bàn với gia đình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà thả đồi theo hình thức bán chăn thả. Bắt đầu từ tháng 4/2018, gia đình anh Hoành đã đầu tư làm chuồng trại và mua 150 con gà giống tại Trung tâm Giống Gia cầm Phó Bảng huyện Đồng Văn (đây cũng là Trung tâm giống gia cầm lớn nhất của tỉnh).
Vừa phát triển chăn nuôi gà, anh Hoành vừa tham gia học hỏi kinh nghiệm về vệ sinh chuồng trại và công tác tiêm phòng cho đàn gà qua các tài liệu kỹ thuật và qua kinh nghiệm chăn nuôi gà của các mô hình đã thành công tại địa phương. Do làm tốt các qui trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn gà của gia đình anh Hoành phát triển tốt. Sau hơn 06 tháng phát triển chăn nuôi gà, đến tháng 11/2018, anh Hoành đã bán bán 120 con gà (số còn lại được anh giữ lại làm giống) được trên 26 triệu đồng. Thấy chăn nuôi gà có lãi, từ tháng 4. 2019, anh Hoành tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại để phát triển nuôi gà.
Nói về kỹ thuật nuôi gà, anh Hoành cho biết: Do diện tích vườn đồi rộng nên gia đình kết hợp nuôi gà trong chuồng, ban ngày sau tám giờ sáng thì cho gà lên đồi để vừa vận động vừa kiếm thêm các loại thức ăn ngoài tự nhiên. Sau 4 giờ chiều thì lùa gà về chuồng. Riêng với những ngày trời mưa thì gia đình nuôi nhốt gà trong chuồng, không thả lên đồi nhằm tránh cho gà bị nhiễm bệnh.
Anh Hoành cho biết, cũng nhờ có diện tích đồi núi rộng nên gia đình thường chăn nuôi gà theo hình thức bán chăn thả, tức là trong một ngày thường nuôi nhốt gà trong chuồng kết hợp với chăn thả gà trên đồi rừng. Chăn thả gà như vậy sẽ làm cho gà được vận động, kiếm thêm được nguồn thức ăn trong tự nhiên để phát triển tốt, thích ứng với các điều kiện khí hậu của tự nhiên nên giảm thiểu bệnh tật. Để phát triển chăn nuôi gà thành công thì người chăn nuôi phải không ngừng học hỏi các kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh qua cả sách báo và kinh nghiệm của đồng bào tại địa phương.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Hoành cho biết: Từ năm 2019 đến nay, bình quân thu nhập từ chăn nuôi gà mỗi năm vào khoảng trên 550 triệu đồng.