Dọc mùng hay môn thơm (miền Nam gọi bạc hà) là loại rau được ưa thích vào mùa hè, dùng để nấu canh chua hay ăn kèm giảm ngán khi ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, mỡ.
Cứ 100g dọc mùng có chứa 95g nước, 0,25g protein, 3,8g carbohydrat (bột đường), 0,5 chất xơ, 25mg phốt pho, 300mg kali, 48mg canxi, 16mg magiê, 0,03mg đồng, 0,4mg sắt, 0,012mg B1, 0,013mg B2, 0,013mg PP, 3mg sinh tố C và cho 14Kcalo. Giàu sinh tố vi lượng như vậy nên dọc mùng rất tốt cho người thừa cân muốn giảm cân.
Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát và thường được dùng để thanh nhiệt giải khát. Đặc biệt, dọc mùng giàu chất xơ có tác dụng thẩm thấu chất béo và cholesterol cũng như cản trở chất được hấp thu vào ở trong ruột. Thân, lá của cây dọc mùng có tác dụng làm tiêu đờm, tiêu ứ, giảm ho đờm khó thở, tiêu ứ, trừ giun... Củ rễ của cây dọc mùng đem phơi khô tán thành bột có thể dùng để trị ghẻ lở, dị ứng ngoài da...
Được cho là loại thực phẩm được cho là lành tính, mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ, tuy nhiên nếu không được chế biến và dùng đúng cách, dọc mùng cũng có thể gây nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe.
Trong dọc mùng có chứa các chất như Canxi oxalat; Axit Oxalic tồn tại ở lớp vỏ dọc mùng dưới dạng tinh thể. Chính tinh thể Canxi sắc như thủy tinh này đâm vào tay khi sơ chế; đâm vào niêm mạc vòm họng khi ăn gây ngứa rát.
Bên cạnh đó, dọc mùng cũng chứa một hàm lượng saponin. Đây là chất gây nên các triệu chứng như tê môi, lưỡi và cứng hàm. Loại độc tố này sau khi được nấu thật chín có thể mất hoặc giảm đi. Saponin phá vỡ tế bào máu, gây độc đối với động vật máu lạnh; nhất là đối với cá, có vị hắc và làm hắt hơi. Saponin được gọi là chất sapotoxin do có độc tính.
Một số người có cơ địa dị ứng khi ăn dọc mùng dễ bị ngứa lưỡi, ngứa ran trong cổ họng, phát ban, sưng môi, thậm chí khó thở, tắc thở, ngất xỉu. Dọc mùng có thể gây sốc phản vệ nhanh chóng từ khoảng vài phút đến một tiếng sau khi ăn. Những người có cơ địa dị ứng mạnh với dọc mùng sẽ trở nặng, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp.
Các mức độ sốc phản vệ do dọc mùng diễn ra từ nhẹ đến nặng: nổi mề đay, ngứa, da đỏ ửng, phù mạch, khó thở, nhịp tim nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, phù nề hô hấp, tắt đường thở, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, tử vong.
Thông thường, triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ biểu hiện qua da. Tuy nhiên, sau khi ăn dọc mùng, biểu hiện thường xảy ra bên trong cổ họng nên người bệnh ít nhận ra, đến khi khó thở hoặc có các dấu hiệu nặng hơn như rối loạn nhịp thở, tắt đường thở, ngừng tuần hoàn mới đưa đến cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo những người từng dị ứng, sốc phản vệ với dọc mùng không nên ăn lại loại thực phẩm này. Với người không biết cơ thể bị dị ứng nếu ăn dọc mùng cần lưu ý các biểu hiện ngứa họng, ngứa lưỡi để đến bệnh viện kịp thời.
Ngoài ra, việc chế biến dọc mùng không đúng cách cũng khiến người ăn dễ bị dị ứng, sốc phản vệ. Vì vậy cần lưu ý khi sơ chế dọc mùng nên dùng găng tay ni-lông, làm sạch hết lớp vỏ dọc mùng là bộ phận dễ gây dị ứng nhất. Sau khi tước bỏ vỏ bên ngoài, thái miếng dọc mùng cần rắc một ít muối hạt và bóp nhẹ để các chất ngứa tiết hết ra. ngâm rửa qua vài lần với nước lạnh để loại bỏ hết chất gây ngứa.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, ăn nhiều dọc mùng, nhất là canh chua dọc mùng có thể gây tăng tỉ lệ acid urix trong máu, nguy cơ mắc bệnh gout cao. Như vậy, người đã bị bệnh gút hoặc đang đứng ở ranh giới báo động có nguy cơ bị bệnh gút thì nên kiêng món ăn khoái khẩu này nếu không muốn bệnh tình diễn biến theo chiều hướng nặng.