Omega-3 là loại chất béo mà cơ thể không tự tổng hợp được, cần bổ sung thông qua các loại thực phẩm chứa nhiều Omega-3 như cá béo, hạt chia, quả óc chó, hạt lanh, dầu cá…. Khi bạn nạp đủ lượng Omega-3 sẽ giúp phát triển trí não, ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện giấc ngủ, làm đẹp da, phát triển não bộ, tăng cường thị lực và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tiêu thụ đủ được lượng Omega-3 cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Dưới đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất này.
Suy giảm chức năng của mắt
Trong omega-3 có chứa DHA - thành phần cấu trúc chính của võng mạc mắt giúp cải thiện thị lực và bảo vệ mắt. Có thể thiếu omega-3 trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến thị lực, gây tổn thương và mù mắt vĩnh viễn.
Suy giảm chức năng của não bộ
Những nghiên cứu cho thấy rằng axit omega 3 giúp phát triển trí não đồng thời tăng khả năng tập trung chú ý, kỹ năng xã hội. Vì vật khi thiếu hụt vi chất này bạn sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và trầm cảm. Sự thiếu hụt nguồn năng lượng cho não bộ khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm và chậm phát triển trí não, gây ra những triệu chứng mệt mỏi và giảm sự tập trung. Bổ sung omega đúng cách giúp điều trị bệnh trầm cảm và giảm triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt…
Tóc không có độ đàn hồi, dễ gãy rụng
Omega-3 là chất dinh dưỡng quan trọng để tạo ra mái tóc bóng mượt, có thể nuôi dưỡng tóc, thúc đẩy sự phát triển của tóc, đồng thời ức chế tình trạng viêm da đầu có thể dẫn đến rụng tóc. Nếu chất lượng tóc của bạn suy giảm, gây khô, chẻ ngọn và rụng tóc thì có thể là do hàm lượng Omega-3 thấp. Theo một kết quả nghiên cứu, các đối tượng nữ được bổ sung axit béo Omega-3 và chất chống oxy hóa hàng ngày, sau 6 tháng, tóc họ ít rụng hơn và tóc mọc nhiều lên.
Da khô
Một trong những bí quyết để duy trì làn da trẻ trung, độ ẩm, mịn màng là bổ sung axit béo Omega-3. Loại axit béo này có thể cải thiện tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa mất độ ẩm, đóng vai trò bảo vệ, từ đó giữ cho da không bị khô, nhạy cảm và giảm viêm da.
Khi cơ thể không đủ Omega-3 thì da sẽ khô, nhanh bị lão hóa, bong tróc. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung kết hợp DHA và EPA, hai Omega -3 chuỗi dài này có thể làm giảm độ nhạy của da với tia cực tím.
Đau khớp
Viêm do thiếu omega-3 có thể ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể, bao gồm xương khớp. Chất béo này chịu trách nhiệm duy trì cấu trúc của các tế bào nên nếu không dung nạp đủ có thể dẫn đến giảm tính linh hoạt, tăng đau khớp.
Những vận động viên hoặc những người thường xuyên hoạt động tay chân, sử dụng khớp quá mức cần được bổ sung Omega 3 đầy đủ để hạn chế đau nhức xương khớp, tổn thương các khớp.
Đau ngực, khó thở, ho và thở khò khè
Đây là biểu hiện của bệnh hen suyễn và các nghiên cứu chứng minh rằng axit béo omega-3 giúp giảm các triệu chứng này. Omega 3 còn giúp giảm các triệu khó chịu do tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm trong khu vực sống và trong nhà.
Mất ngủ
Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, những người tiêu thụ nhiều Omega-3 sẽ ngủ ngon hơn. Nếu thiếu axit béo này cơ thể sẽ khó đi vào giấc ngủ, thậm chí là thường xuyên mất ngủ.
Huyết áp cao hơn bình thường
Huyết áp tăng có thể là dấu hiệu cơ thể không nhận đủ omega-3 trong chế độ ăn uống. Đây là chất béo có lợi cho tim nên tăng lượng hấp thụ có thể giảm huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên ăn ít nhất hai bữa cá béo một tuần để tăng sức khỏe tim mạch.
Tăng mỡ bụng
Thiếu hụt omega-3 có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể tích tụ mỡ bụng. Nhiều người cho rằng ăn chất béo dễ gây tăng cân nhưng điều này còn phụ thuộc vào loại chất béo.
Chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm đóng gói, đồ ăn chiên có xu hướng tăng mỡ vòng eo. Ngược lại, thực phẩm chứa loại không bão hòa như cá béo, dầu ô liu, bơ và các loại hạt hỗ trợ giảm mỡ bụng và ngăn ngừa tăng cân.
Nhu cầu omega-3 thay đổi tùy theo từng cá nhân, một số người có thể cần nhiều hơn những người khác. Thông thường, lượng ALA khuyến nghị là 1,6 g mỗi ngày đối với nam và 1 g với nữ. EPA và DHA nên duy trì ở mức tối thiểu 0,25 mg, tối đa 4 g mỗi ngày, trừ khi có hướng dẫn khác từ chuyên gia y tế. Người muốn dùng sản phẩm bổ sung omega-3 cần có sự tham vấn của bác sĩ.
Những người có nguy cơ cao bị thiếu axit béo Omega 3 là mẹ bầu và trẻ em.
Bạn có thể bổ sung axit béo này thông qua những thực phẩm như như cá hồi, cá thu, trứng, sữa, ngũ cốc, cải bó xôi, bơ, hạt và dầu oliu…
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung nó thông qua dầu cá Omega 3, với khoảng 1 gram omega-3 từ dầu cá mỗi ngày. Nên uống Omega 3 vào buổi sáng hoặc sau mỗi bữa ăn để cơ thể hấp thu hiệu quả nhất, uống đều đặn và tuân thủ đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
6 dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe mắt khi làm việc lâu với máy tính |
Những thực phẩm "cực" giàu DHA cho trẻ |
Ăn cá chép thường xuyên nhưng bạn đã biết những tác dụng tuyệt vời mà nó mang lại chưa? |