Nhận định nguyên nhân ban đầu tôm hùm bông chết do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp. Ảnh Dương Hùng |
Ngày 12/4, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công văn gửi các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Nam Trung Bộ, Cục Thú y, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 về việc tăng cường công tác quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó có tôm hùm bông.
Theo Cục Thủy sản, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thời điểm này đang xảy ra hiện tượng tôm hùm bông bị chết.
Đây là vùng nuôi có mật độ thả nuôi cao với số lượng lồng nuôi lớn (khoảng 10.000 lồng).
Nhận định nguyên nhân ban đầu do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Để kịp thời xác định nguyên nhân và hạn chế thiệt hại cho người nuôi, Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa sớm xác định nguyên nhân gây chết đối với tôm hùm bông và hướng dẫn người nuôi thu gom toàn bộ xác tôm chết lên bờ xử lý, không để ô nhiễm môi trường.
Áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các loài thủy sản nuôi khác. Thực hiện san thưa mật độ tôm hùm trong lồng nuôi phù hợp với từng kích cỡ.
Đối với vùng có nguy cơ cao về môi trường nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.
Theo dự báo, hiện tượng nắng nóng năm nay tại khu vực Nam Trung Bộ nhiều khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo đến hết tháng 6-2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi như nhiệt độ nước, thông số môi trường, mật độ vi khuẩn tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến sự nở hoa của tảo, làm oxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2024, thông số COD và coliform cũng có nguy cơ tăng cao, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng của nước ngọt (nước mưa) như Đông Điền, Vinh Quang (Bình Định), cầu Đà Nông, Xuân Thành (Phú Yên), Tân Thủy, Trí Nguyên (Khánh Hòa), Khánh Nhơn, Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận).
Để nuôi trồng thủy sản trên biển nói chung và tôm hùm nuôi nói riêng phát triển tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Cục Thủy sản đề nghị các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Mật độ thả nuôi tôm khá dày. Ảnh Dương Hùng |
Theo ghi nhận từ các hộ nuôi tôm hùm tại thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, khoảng 30 ngày gần đây xảy ra hiện tượng tôm hùm bông bất ngờ chết hàng loạt khiến người nuôi lo lắng.
Tại hộ ông Phan Ngọc Nam có 40 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm khoảng 5 tháng, bị chết khoảng 10%.
Khi thấy có dấu hiệu tôm hùm chết, ông Nam đã dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiều lần mỗi tháng nhưng không thuyên giảm.
Theo ông Nam, các hộ nuôi xung quanh đều có hiện tượng tôm hùm chết tương tự và chỉ xảy ra trên tôm hùm bông, không xảy ra ở tôm hùm xanh.
Ông Võ Văn Thái - giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong - cho biết hiện tình trạng tôm hùm khoảng 0,2 - 0,25kg/con bị đen mang và chết khoảng 40%.
"Tôm hùm bị đen mang thì "bó tay", không chữa được. Những hộ thả nuôi vào tháng 4-2023 thì đỡ, còn thả nuôi vào tháng 8-2023 là bị hết. Giờ còn 6 tháng nữa mới xuất bán được nhưng tình trạng tôm chết vẫn diễn ra, người nuôi có nguy cơ lỗ nặng" - ông Thái nói.