Người bệnh thiếu máu cần bổ sung ba nhóm thực phẩm này |
Thiếu máu và các rủi ro có thể xảy ra
Thiếu máu là một loại bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng giúp hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu.
Chứng thiếu máu có rất nhiều loại. Một trong những loại phổ biến nhất là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Việc hấp thụ không đủ lượng sắt khiến cơ thể bạn không thể sản sinh ra hemoglobin, huyết sắc tố cần thiết để tạo nên lượng tế bào hồng cầu đầy đủ, giúp vận chuyển oxy cho cơ thể.
Có 2 loại sắt được tìm thấy trong các loại thực phẩm là heme iron (nguồn sắt từ động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) và nonheme iron (nguồn sắt từ thực vật cũng như các loại thực phẩm tăng cường chất sắt). Cơ thể bạn có thể hấp thu cả hai loại sắt này, tuy nhiên, heme iron dễ hấp thụ hơn so với nonheme iron.
Để hỗ trợ điều trị thiếu máu, đặc biệt là bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể bổ sung chất sắt cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm sau đây:
Người bệnh thiếu máu nên bổ sung nhóm thực phẩm nào?
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu dinh dưỡng, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Trong hầu hết các trường hợp, nếu nguyên nhân do chế độ ăn không đủ sắt, mức độ sắt có thể được tăng lên từ từ khi thay đổi chế độ ăn uống. Người bệnh nên bổ sung các nhóm thực phẩm sau:
Bổ sung thực phẩm giàu sắt
Người bệnh thiếu máu cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng, trong đó có sắt.
Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, thịt gà, gan động vật, trứng, ngao, sò, hàu, sữa…
Các nguồn cung cấp sắt từ thực vật bao gồm: các loại đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc nhiều cám, trái cây khô…
Trên thực tế, chất sắt trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (sắt heme) là dạng sắt tốt nhất, vì nó được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Còn sắt chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như ngũ cốc và rau (sắt không phải heme) được hấp thụ kém hiệu quả hơn nhiều so với sắt heme.
Lưu ý: Không nên uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn các thực phẩm giàu sắt vì có thể làm hạn chế quá trình hấp thu sắt.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C không chỉ là loại vitamin giúp tăng cường miễn dịch mà nó còn có tác dụng giúp tăng cường hấp thu sắt bằng cách thu giữ sắt không phải heme và lưu trữ ở dạng cơ thể bạn dễ hấp thụ hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, uống vitamin C trong bữa ăn làm tăng khả năng hấp thụ sắt lên 67%.
Do đó để sắt hấp thu được tốt nhất, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây, chuối, xoài...
Thực phẩm giàu kẽm
Theo TS.BS Phan Bích Nga, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh thiếu máu dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu sắt mà thường thiếu cùng các vi chất khác, điển hình là kẽm.
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ bị thiếu máu có nồng độ kẽm trung bình trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với trẻ không bị thiếu máu. Vì vậy, trẻ thiếu kẽm cũng có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng. Chính vì vậy, để giúp giúp dự phòng nguy cơ thiếu máu, ngoài đảm bảo đủ lượng sắt cần bổ sung đủ kẽm cho nhu cầu hàng ngày ở trẻ.
Các nguồn thực phẩm giàu kẽm rất phong phú như: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, cà rốt, giá đỗ, đậu Hà Lan, đậu nành…