Tình trạng ngập úng ghi nhận lớn nhất trong vòng 7 năm qua
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, đến hết ngày 18/7, toàn tỉnh ước tính có khoảng 35.000ha lúa (50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản.
Hầu hết các địa phương có diện tích ngập úng lớn đã vận hành 100% công suất các trạm bơm để phục vụ tiêu úng, cứu lúa. Tuy nhiên, do mực nước sông dâng cao khiến công tác tiêu úng gặp khó khăn. Tình trạng ngập úng ghi nhận lớn nhất trong vòng 7 năm qua.
Khoảng hơn 35.000ha lúa mùa của người dân Nam Định bị ngập úng. |
Tại huyện Nghĩa Hưng, có hơn 6.200ha lúa bị ngập úng. Còn tại huyện Vụ Bản, có khoảng gần 4.700ha bị ngập úng, chiếm 56% tổng diện tích lúa đã gieo cấy. Ông Trần Đăng Lạp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản cho biết, địa phương đã dồn lực, sử dụng mọi biện pháp tiêu thoát nước chống úng cứu lúa mùa, đặc biệt lưu ý những vùng gieo cấy muộn để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất cho bà con.
Qua theo dõi dự báo trước đợt mưa, địa phương đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà rút nước đệm trong ruộng xuống 0,6mm. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, lượng nước tăng nhanh vẫn gây ngập diện rộng.
Nhằm thoát nước nhanh nhất, toàn bộ 31 trạm bơm trên địa bàn đã hoạt động hết công suất. Ngoài ra, 46 máy bơm nhỏ của hợp tác xã và bà con cũng được huy động.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, nơi cao > 200 mm. Do đó, có thể tiếp tục xảy ra ngập úng trên diện rộng, nhất là diện tích thấp trũng đối với lúa mới gieo cấy.
Để chủ động khắc phục nhanh hậu quả của đợt mưa úng, hạn chế thiệt hại đến sản xuất vụ Mùa 2024, UBND tỉnh Nam Định có công văn số 721/UBND-VP3 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi yêu cầu tập trung chống úng và khắc phục sản xuất lúa mùa 2024.
Theo đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại lúa, màu ở từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang. Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại nặng (trên 50%), không có khả năng phục hồi (gốc thân nhũn, rễ đen) phải khẩn trương tổ chức gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền đảm bảo cấy xong trước ngày 8/8/2024.
Nước ngập trắng đồng, người dân đau đáu, lo lắng. |
Bên cạnh đó, với những diện tích lúa bị thiệt hại dưới 50%, còn khả năng hồi phục có thể cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dư, mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày. Phân công, tăng cường cán bộ về cơ sở trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả của mưa úng; phối hợp thống kê, tổng hợp diện tích cây 2 trồng bị ngập úng và kết quả khắc phục, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc làm đất, bón phân; phối hợp với các Công ty, Doanh nghiệp cung ứng giống lúa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho người dân để gieo cấy lại, chăm sóc, bảo vệ lúa Mùa an toàn, hiệu quả trong khung thời vụ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ các quy định về buôn bán vật tư nông nghiệp, lợi dụng tình hình để bán tăng giá, hàng hóa chất lượng kém.
Người nông dân xác định mùa này thua lỗ, mất trắng
Người nông dân sử dụng máy bơm di động để tiêu úng. |
Theo cập nhật mới nhất tại huyện có diện tích lúa bị ngập lớn nhất tỉnh, ông Hoàng Quang Tuyến - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết, lượng nước trong ruộng đã tiêu bớt nhưng không đáng kể. Hiện, mới tiêu nước được cho 500ha trong tổng số hơn 6.200ha lúa bị ngập úng.
Lúa ngập úng 5 - 7 ngày tỷ lệ mất trắng rất cao. Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con ngâm lại giống lúa ngắn ngày, gieo mạ nền cứng để cấy lại.
Bà Nguyễn Thị Bích (trú tại Nghĩa Hải, Nghĩa Hưng) bộc bạch: "Đợt vừa rồi chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con rất nhiệt tình, bơm tiêu úng suốt cả ngày lẫn đêm nhưng nước ngoài sông còn cao hơn nước trong ruộng nên có bơm như thế nào cũng không đem lại hiệu quả là bao.
Gia đình tôi và chị gái tôi có cấy 6 mẫu ruộng nhưng giờ toàn bộ diện tích đã cấy vẫn trong tình trạng ngập úng rất sâu. Hôm nay tôi ra đồng kiểm tra thấy lúa bắt đầu bị thối rễ, nhìn mà buồn ứa nước mắt, coi như mất trắng rồi. Bây giờ phải đi gieo mạ để cấy lại chứ để ruộng không đấy thì lấy đâu ra để ăn. Cả nhà cả cửa chỉ trông chờ vào ruộng lúa. Mùa vụ này coi như là thua lỗ rồi".
Người dân lo lắng vì nước ngập lâu khiến lúa chết. |
Còn gia đình ông Hà Văn Minh (trú tại Trực Chính, Trực Ninh) gieo cấy gần 3 sào lúa. Toàn bộ diện tích mới cấy xong khoảng 1 tuần nay. Tuy nhiên, lúa chưa kịp bén rễ thì liên tiếp gặp mưa lớn.
Các trận mưa lớn xảy ra liên tục trong những ngày gần đây khiến mực nước trong cánh đồng và ngoài sông ngòi luôn ở ngưỡng cao nên cây lúa bị tạp hết lá, đổ, ngập sâu trong “biển” nước, ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây lúa. Thậm chí, nhiều khóm lúa đang có dấu hiệu bị thối rễ, đen gốc và chết dần. Không những thế, việc nước trong đồng luôn ở ngưỡng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng thi nhau cắn phá lúa.
“Nhìn ruộng lúa bị ngập sâu trong nước mà buồn vô cùng, chẳng biết xử lý thế nào. Nếu vài ngày nữa, nước trong đồng không chảy ra ngoài được thì chắc chắn lúa sẽ bị chết, nếu có lên được thì cây lúa cũng èo ọt, bởi cây lúa đã bị nhũn, không có sức sống. Năm n ay coi như là mất mùa rồi”, ông Minh buồn bã nói.