Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường Định hướng mới cho du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77% |
![]() |
Năm 2021, Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP tăng 6% |
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tính sụt giảm 9,77% so với năm 2019. TP. Đà Nẵng là một trong 5 địa phương tăng trưởng âm trong năm 2020. Quy mô nền kinh tế ước đạt 100.000 tỷ đồng, giảm khoảng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Trong các lĩnh vực thì nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương với mức tăng 2,4% so với năm 2019. Trong khi đó, dịch vụ-thương mại, công nghiệp-xây dựng trải qua một năm khó khăn và giảm điểm mạnh.
Cụ thể, khu vực thương mại-dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Quy mô giá trị tăng thêm của khu vực này bị thu hẹp hơn 5.300 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt hơn 83.000 tỷ đồng, giảm 15,6% so với năm 2019.
Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh ở mức 12,23% làm thu hẹp tổng doanh thu của ngành tới 3.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, sản xuất công nghiệp chịu áp lực lớn vì dòng lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng; ngành xây dựng giảm sâu do nhiều công trình phải tạm ngừng thi công để thực hiện giãn cách xã hội.
Quy mô toàn nền kinh tế năm 2020 ước đạt 100.000 tỷ đồng, thu hẹp hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (tính đến ngày 20/12) ước đạt hơn 22.000 tỉ đồng, đạt 71,5% dự toán năm 2020 và bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 27.000 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2020 ước đạt 34.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 9.306 tỷ đồng (tăng 11%); khu vực ngoài Nhà nước đạt 18.605 tỷ đồng (giảm 28,1%); khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 6.888 tỷ đồng (tăng 37,7%). Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP vẫn theo xu hướng thu hẹp, từ 35,7% năm 2019 xuống còn 34,8% năm 2020, thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.
![]() |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 giảm 9,77% so với năm 2019. Nguồn: Cục Thống kê |
Giải ngân vốn dự án FDI tăng tới 42,4%
Dù các lĩnh vực kinh tế trụ cột sụt giảm, nhưng trong một năm kinh tế đầy khó khăn của thế giới cũng như cả nước, kinh tế TP. Đà Nẵng vẫn có những điểm sáng để tạo động lực cho khôi phục kinh tế năm 2021.
Nổi bật đó là hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù thu hút các dự án mới, vốn tăng thêm chỉ đạt 220 triệu USD, giảm 49,8% so với năm 2019, nhưng tiến độ giải ngân vốn dự án FDI (vốn thực hiện) năm 2020 lại tăng ấn tượng, đạt 284,3 triệu USD, tăng tới 42,4% so với năm 2019.
Điều này cũng chứng tỏ những nỗ lực của chính quyền TP. Đà Nẵng trong việc đảm bảo môi trường đầu tư thông suốt cho các dự án thuận lợi triển khai, và cũng là tín hiệu tích cực của việc Đà Nẵng chuyển hướng chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2020, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư trong nước ngoài Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư là 16.663 tỷ đồng (gấp 1,9 lần về vốn so với năm 2019), cấp 15 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 2.201 tỷ đồng (gấp 2,62 lần về vốn so với năm 2019).
![]() |
Quy mô toàn nền kinh tế năm 2020 ước đạt 100.000 tỷ đồng, thu hẹp hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2019. Nguồn: Cục Thống kê |
Xuất siêu cao nhất trong vòng 9 năm
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước đạt 2,75 tỷ USD giảm 7,5% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 1,54 tỷ USD giảm 5,6% so với 2019 và nhập khẩu ước đạt hơn 1,12 tỷ USD giảm 9,8% so với năm 2019. Dù tổng kim ngạch giảm, nhưng nhờ những nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tận dụng những “mắt xích” bị trống, bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm vào thay thế cũng như nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tận dụng được các ưu đãi từ các FTA như EVFTA, CPTPP, chủ động thay đổi nguồn cung nguyên liệu… nên năm 2020 thặng dư thương mại Đà Nẵng ước đạt 326 triệu USD.
Đây mức xuất siêu cao nhất trong vòng 9 năm qua của TP. Đà Nẵng. Độ mở nền kinh tế xét trên phương diện xuất, nhập khẩu hàng hóa là 64% trên GRDP-mức cao nhất trong 9 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2012.
Năm 2021, Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP tăng 6%. Tuy nhiên, để khôi phục hoạt động sản xuất và kéo nền kinh tế Đà Nẵng về tăng trưởng dương là một “bài toán” rất khó khăn, bởi kinh tế Đà Nẵng năm 2020 bị kéo lùi rất sâu và trong bối cảnh dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và đe dọa kinh tế thế giới trong năm 2021.
TP. Đà Nẵng đã đưa ra một số giải pháp để khôi phục kinh tế trong thời gian tới gồm triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để phôi phục dịch vụ - thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, trong đó, tận dụng được các FTA Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực; tập trung khôi phục du lịch; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh thu hút đầu tư đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển năng lực khai thác xa bờ, đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp; và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng.