Ý nghĩa mâm ngũ quả
Những loại trái cây này thường để thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc cũng như cách sắp xếp chúng. |
Mâm ngũ quả là khái niệm để chỉ một mâm trái cây với khoảng năm loại hoa quả khác nhau thường được bày biện trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt. Mâm ngũ quả thường được chưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách.
Những loại trái cây này thường để thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc cũng như cách sắp xếp chúng. Ngày nay, khi bày biện mâm ngũ quả cho ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà con mang ý nghĩa cho mong muốn của gia chủ trong năm mới. Có rất nhiều cách giải thích về ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết.
Theo quan niệm Phật giáo, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, tục dâng cúng mâm ngũ quả xuất phát từ Phật giáo. Theo quan niệm của nhà Phật, 5 màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Vì thế, các loại hoa quả được chưng trên mâm ngũ quả dịp Tết cũng mang những ý nghĩa nhất định như:
Quả bưởi, dưa hấu căng tròn, tươi mát, hứa hẹn năm mới đủ đầy, may mắn. Trái hồng, quýt sắc đỏ cam rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thành đạt. Trái lê ngọt ngào, ngụ ý cho việc gì cũng suôn sẻ, thuận lợi. Trái lựu nhiều hạt với mong muốn con cháu nhiều, vui nhà vui cửa. Trái đào thể hiện sự thăng tiến. Mai ngụ ý con gái phải có chồng, hạnh phúc. Trái táo (táo đỏ) mang ý nghĩa phú quý. Thanh long ngụ ý rồng mây gặp hội. Quả trứng gà có hình trái đào tiên thể hiện lộc trời ban xuống. Dừa có âm tương tự như là “vừa” trong tiếng miền Nam, có nghĩa không thiếu. Sung thể hiện mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình yêu,... Đu đủ mang đến sự đầy đủ, phồn thịnh. Xoài có âm na ná như là “xài” nếu đọc theo kiểu miền Tây, cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.
Còn theo văn hóa phương Đông, nếu xét theo văn hóa phương Đông, mâm ngũ quả chính là biểu trưng cho ngũ hành. Mỗi một loại quả mang một màu sắc tương ứng với 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tùy vào từng vùng miền, địa phương mà có thể chọn các loại trái cây khác nhau. Tuy nhiên, phải đảm bảo được các màu sắc tương ứng với ngũ hành.
Hơn thế, mâm ngũ quả còn là lễ tạ ơn thần linh, gia tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa. Ngũ quả biểu trưng cho thành quả lao động mà con cháu muốn hiếu kính lên bề trên, đồng thời thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc từ bao đời. Nhiều người cũng giải thích, ngũ quả còn là ngũ phúc lâm môn: Phú là giàu có, nhiều của cải. Quý là phẩm chất sang trọng. Thọ là sống lâu trăm tuổi. Khang là có nhiều sức khỏe. Ninh là cuộc sống bình an
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, ý nghĩa
Miền Bắc: Mâm ngũ quả bày theo thuyết ngũ hành
Mâm ngũ quả mang ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng trời đất. |
Ở miền Bắc, đa số mọi người đều bày biện mâm nũ qua theo thuyết ngũ hành. Theo quan niệm văn hóa phương Đông, ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ là 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Do đó, mâm ngũ quả mang ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng trời đất, do đó được phối theo 5 màu đại diện cho từng yếu tố: Kim - trắng, mộc - xanh, thủy - đen, hỏa - đỏ, thổ - vàng. "Ngũ" còn thể hiện ước muốn của gia chủ là đạt được "ngũ phúc lâm môn": Phúc (may mắn), quý (giàu có), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an).
Với người miền Bắc, mâm ngũ quả gồm các loại như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, táo.... Đối với mâm ngũ quả miền Bác, người ta thường lựa chọn chuối xanh là đẹp nhất và đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác. Ơ chính giữa thường để bưởi hoặc phật thủ vàng, xung quanh điểm xuyết các loại khác nhau như: Hồng, quýt, đào... đan xen vào nhau. Nếu còn những chỗ trống có thể cài xen kẽ quất, táo xanh hoặc quả ớt chín đỏ.
Nhiều người cho rằng, rửa hoa quả trước khi bày biện sẽ giúp mâm ngũ quả của mình trở nên đẹp hơn, tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, việc rửa trái cây sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Vì vậy, trước khi bày hoa quả, chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được.
Miền Trung: Có gì cúng nấy
Thường người miền Trung lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy. |
Vì điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt khiến sản vật về hoa quả ít hơn những vùng miền khác nên người dân miền Trung không quá cứng nhắc về việc phải chọn lựa loại quả gì cho mâm cúng ngày Tết. Bên cạnh đó, mâm ngũ quả miền Trung mang nặng ý nghĩa về lòng biết ơn chân thành đối với tổ tiên của họ. Điều đó lý giải cho việc mâm ngũ quả ở miền Trung thường được đơm từ các loại trái cây địa phương, nhà nào có thức nào, đơm thức ấy.
Không giống như miền Bắc hay người miền Nam sở hữu nhiều loại trái cây phong phú, đa dạng, mâm ngũ quả của người miền Trung khá đơn giản. Thường người miền Trung lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy. Những loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả miền Trung gồm: Nải chuối xanh, quả dừa, xoài, dứa, đu đủ, mãng cầu, quýt.
Mâm quả miền Trung thường kiêng cúng cam và các loại trái cây có vị đắng, cay. Thay vào đó, người dân ở đây thường ưu tiên chọn các loại trái cây tròn đều, vị ngọt và lâu hỏng để bày trên mâm ngũ quả. Để bày biện được đẹp, những quả to thường nằm ở dưới, những quả nhỏ nằm ở trên vô cùng tươi ngon, đẹp mắt.
Miền Nam: Cầu vừa đủ xài
Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. |
Người miền Nam trưng mâm ngũ quả với mong muốn có một năm mới sung túc, cho nên câu cửa miệng thường là: "Cầu... vừa đủ xài". Vì vậy, họ sử dụng các loại trái cây có tên bao hàm ý mong muốn, phiên ra ngôn ngữ trái cây là mãng cầu - dừa - đu đủ - xoài.
Đồng thời "điền" thêm vào chỗ trống điều mình nguyện cầu. Ví dụ: Sung (sung túc), thơm (năm mới tươi mới, thơm tho)... Do đó, những loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả miền Nam thường gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dứa (thơm), dưa hấu vỏ xanh.
Bên cạnh mâm ngũ quả, người miền Nam cũng thường bày 2 quả dứa hoặc 2 quả dưa hấu hai bên bàn thờ để chúc may mắn. Để mâm ngũ quả được đẹp, người miền Nam thường hay chọn 3 loại quả to nhất là đu đủ, dừa, xoài lên phía trước. Sau đó, bày những quả còn lại lên trên để tạo thành hình ngọn tháp. Khi chọn mua, người ta thường chọn đu đủ xanh, có những đốm vàng là đẹp nhất. Trong khi đó, xoài nên có màu vàng đẹp, mãng cầu có dáng đẹp.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết nào là "đủ", nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi. Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt. Ví dụ: Chuối là chúi nhủi, làm ăn không phất lên được. Lê, táo (bom) là Lê lết, đổ bể, dễ thất bại. Cam, quýt là quýt làm cam chịu.
Lợi ích sức khỏe của các loại trái cây bày mâm ngũ quả
Các loại quả trên mâm ngũ quả đều mang lại những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. |
Không chỉ đẹp và thể hiện ước muốn cho năm mới, các loại trái cây trong mâm ngũ quả còn có nhiều lợi ích sức khỏe. Các loại quả trên mâm ngũ quả đều mang lại những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời và nhiều lợi ích sức khỏe đã được khoa học chứng minh.
Quả chuối: Trong loại quả này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi như vitamin B6, B12, folat góp phần quan trọng trong việc sản sinh tế bào máu. Chuối còn chứa nhiều vitamin C, magiê, mangan và selen, vitamin E, beta - caroten giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thành phần dinh dưỡng có trong quả chuối đã chứng minh đây là loại quả cực tốt cho sức khỏe con người.
Quả bưởi: Là loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao và phong phú các chất dinh dưỡng có đặc tính chống ôxy hóa giúp bảo vệ tế bào. Bưởi là một trong những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, cung cấp gần 64% nhu cầu hàng ngày trong một khẩu phần ăn.
Quả đào: Thành phần dinh dưỡng của quả đào rất phong phú với hàm lượng cao sucrose, glucose và fructose là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, đào còn chứa nhiều vitamin B1, B2, C,… đặc biệt là hàm lượng sắt cao, cần thiết cho phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt. Đào chín có nhiều chất xơ và acid hữu cơ có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng nhu động dạ dày ruột.
Quả cam quýt: Đây là những loại trái cây có múi quen thuộc. Chúng rất giàu các chất dinh dưỡng như: vitamin C, chất xơ, folate, chất chống oxy hóa nhưng rất ít calo và đường. Cam quýt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mát và bổ dưỡng cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ thống miễn dịch tốt.
Quả thanh long: Là loại quả ngon, thanh mát và có nhiều lợi ích với sức khỏe. Quả thanh long chín mềm, vị ngọt mát, chứa nhiều chất nhầy pectin, chất xơ hoà tan và chất xơ không tan cellulose. Đây đều là những chất có tác dụng tốt đối với cơ thể, giúp phòng chữa bệnh táo bón, hỗ trợ giảm cân, ngừa béo phì, phòng chống xơ vữa động mạch, viêm ruột kết... rất hiệu quả.
Quả đu đủ: Đây là một loại trái cây quen thuộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Do hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đu đủ mang lại lợi ích sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Hầu hết lượng calo trong đu đủ đến từ carbohydrate. Đu đủ còn chứa chất xơ và lượng đường tự nhiên tốt, hầu như không chứa chất béo nên đây có thể coi là một loại quả tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Theo GS.BS Dương Trọng Hiếu, nguyên Trưởng phòng Y vụ, Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, đu đủ chín giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A giúp trẻ mau lớn, phòng chống bệnh khô mắt và chống suy dinh dưỡng. Với người cao tuổi, đu đủ vừa là thuốc bổ, vừa nhuận tràng, giúp ăn ngon, lợi tiêu hóa.
Quả xoài: Loại quả này chứa nhiều muối khoáng, đặc biệt là canxi và sắt. Ngoài ra, sự kết hợp giữa vitamin C, vitamin A và 25 loại carotenoid khác trong quả xoài mang lại nhiều tác dụng tốt đối với hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Quả mãng cầu: Với hàm lượng chất chống ôxy hóa cao, mãng cầu có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Ăn mãng cầu giúp cơ thể bổ sung nhiều chất đồng và chất xơ, từ đó hỗ trợ tiêu hóa. Nếu bạn đang bị thiếu máu thì nên thường xuyên ăn mãng cầu vì nguồn chất sắt cao trong mãng cầu giúp hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu.