![]() |
Mấy năm gần đây, trên chợ mạng xuất hiện một chiếc bánh có hình dáng và cái tên rất lạ, người bán giới thiệu bánh này là đặc sản đặc sắc của vùng đất Thái Nguyên tên là bánh Cooc Mò.
Theo tìm hiểu, Cooc Mò theo tiếng Tày có nghĩa là sừng bò (Cooc là sừng, Mò là bò) đơn giản là bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng bò.
Theo truyền thống, trong thôi nôi của trẻ em, bất kể mùa nào người Tày cũng làm bánh Coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe và ngoan ngoãn.
Ngày nay, bánh Coóc mò được bà con người Tày, Nùng làm quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Muốn thưởng thức món bánh này du khách cũng có thể đến Trung tâm thương mại Đồng Quang hoặc chợ Thái, với 20 nghìn đồng du khách đã có trên tay chùm bánh cooc mò thơm nồng, quyến rũ. Trên chợ mạng, bánh cooc mò được bày bán với giá 5.000 đồng/chiếc, bán theo chục.
Ở một số nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại làm bánh coóc mò để mừng mùa lúa mới, đồng thời làm quà khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan, vâng lời cha mẹ.
![]() |
Muốn làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon ngoài khâu chọn nguyên liệu còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ trong việc gói bánh. Công đoạn gói bánh không chỉ quyết định đến thẩm mĩ của bánh, mà cách gói cũng ảnh hưởng đến “cái ngon” của thức bánh này.
Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Công đoạn buộc lạt thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Nếu buộc lạt lỏng quá thì khi nấu bánh sẽ bị vào nước, nhão, không ngon. Nếu buộc lạt chặt quá, hạt nếp sẽ không nở, bánh bị sần, không dẻo và không thơm.
Chị Ma Thị Dung là một người Tày ở Bản Rùa, Chiêm Hóa, Tuyên Quang có chia sẻ: "Tuổi thơ của những đứa nhỏ vùng Chiêm Hóa vào những đêm đông, ngồi canh nồi bánh coóc mò của bà bên bếp củi giữa ngôi nhà sàn, rồi cả nhà cùng nhau thưởng thức bánh nóng hổi, thơm mùi lá chuối với gạo nếp. Hồi còn đi học, mỗi lần mình mang món bánh này đến lớp là cả lũ lại kéo đến tranh nhau ăn". Giờ đây, khi cuộc sống phát triển hơn, người ta lại có xu hướng nghĩ về những món ăn giản dị ở quê.
Cách làm bánh Cooc Mò
![]() |
Chuẩn bị nguyên liệu
1 kg nếp nương Điện Biên
200 gr đậu xanh hoặc lạc sống
Lá dong hoặc lá chuối
1 thìa cà phê nhỏ muối
Lá dứa
Các bước làm bánh
Nếp vò sạch, đãi sạn nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Ngâm 2-3 giờ sau đó vớt ra để ráo nước.
Sau đó lấy gạo nếp trộn nước lá dứa cho thơm
Đậu xanh hoặc lạc cũng ngâm cùng thời gian với nếp.
Lá dong rửa sạch, không cần lá to, rửa sạch và lau khô, chuẩn bị gói
Trộn nếp và đậu xanh với nhau và trộn luôn muối
Gói bánh này cũng dễ mà thành khó, lá dong xoắn thẳng lên giống cái kem cốc quế rồi cho gạo vào 1/2 bánh, dùng đũa nhét nhẹ xuống chóp bánh cho tới và vỗ nhẹ tay cho nếp xuống
Sau đó cho nếp lần 2 và cũng làm như vậy rồi cuốn miệng bánh và gấp. Bạn không nên buộc bánh quá chặt vì sẽ làm lá bánh rách hạt gạo không nở được dễ bị sượng, không dẻo. Nhưng cũng không buộc quá lỏng vì bánh sẽ bị hút nước nhiều dễ bị nhão không ngon.
Sau khi gói thì ngâm vào nước lạnh khoảng 30 phút cho bánh no nước thì khi nấu bánh nhanh chín và không bị vỡ.
Thưởng thức
Tùy theo khẩu vị của mỗi người bạn có thể ăn bánh chấm với muối vừng hoặc mật ong, đường kính.
Thưởng thức bánh Cooc mò để thấy được vị dẻo, thơm ngon của nếp mới, quyện trong vị bùi bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn. Tuy bánh không có nhân nhưng nhai kỹ thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Người ưa ngọt có thể ăn bánh cooc mò kèm mật ong hay đường kính.
Khi bóc ra, bánh xanh và dền như bánh chưng, vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp lại thoảng mùi thanh khiết đồng quê của lá gói. Cắn miếng bánh, thực khách cảm nhận được vị thơm, cái dẻo mềm của nếp, càng nhai càng quyện trong chất bùi béo của lạc đỏ. Tất cả làm nên cái trọn vẹn, mộc mạc, bình dị của con người nơi đây.