Tổng thư ký Guterres đưa ra phát biểu trên tại một hội nghị chuyển đổi năng lượng sạch trực tuyến do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức, với sự tham dự của các đại diện đến từ 40 quốc gia - chiếm 80% tổng mức tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính.
Các nước tham dự đã thảo luận những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, cắt giảm khí thải và giúp các hệ thống năng lượng “chống chịu tốt” với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế sau sự sụt giảm do dịch COVID-19, các chính phủ và nhà đầu tư kêu gọi những gói tài chính hỗ trợ phục hồi nên tập trung một phần vào kích thích các mục tiêu “xanh”.
Liên Hợp quốc kêu gọi ngừng tài trợ cho các dự án than đá, phát triển năng lượng sạch
Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc đã cam kết các chương trình phục hồi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ông Guterres cho biết một số quốc gia đã sử dụng các chương trình này để đồng thời hỗ trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch vốn gặp khó khăn về tài chính, trong khi một số quốc gia khác đã chọn khởi động các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất than lớn nhất, cho biết nước này cam kết phát triển ngành năng lượng sạch và ít phát thải khí carbon. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, ông Trương Kiến Hoa khẳng định nước này đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng từ nước, gió và Mặt Trời.
Các hoạt động sử dụng than đá đã giảm ở một số khu vực như châu Âu và Mỹ, trong khi nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi các dự án liên quan đến than đá.
Tuy nhiên, ở một số khu vực khác trên thế giới, nhu cầu sử dụng than tăng lên do nhiều nền kinh tế mới nổi cho rằng sử dụng than là việc cần thiết cho tăng trưởng.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc có nhiều dự án điện nhiệt than đang được phát triển, nhiều hơn so với tổng công suất điện than của Mỹ.
Các chính phủ đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức an toàn hơn để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Về giá than đá trên thế giới, do tác động của dịch Covid - 19 giá than đá thế giới đã giảm kể từ tháng 4/2020 khi các nước trên thế giới áp dụng chính sách giãn cách, phong tỏa khiến cho nhu cầu than trong sản xuất công nghiệp sụt giảm.
Nhu cầu giảm sút, nhất là từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi nguồn cung dồi dào ở Indonesia và Australia, cộng thêm áp lực từ sản xuất khí thiên nhiên tăng lên và thị phần lớn dần của năng lượng tái tạo đồng loạt gây áp lực giảm giá mặt hàng than.
Kết thúc quý II/2020, giá than chở bằng đường biển tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tiêu thụ cả than nhiệt và than cốc ở Châu Á đều đang chậm các chính sách bảo hộ ở Trung Quốc và Ấn Độ, đại dịch Covid - 19 và đang mùa nhu cầu thấp (giao thời giữa mùa Đông và mùa Hè).
Do tác động của dịch Covid - 19 giá than đá thế giới đã giảm kể từ tháng 4/2020
Giá than nhiệt của Australia (chỉ số giá than Newcastle hàng tuần, do Argus công bố) đã giảm xuống 48,14 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 26/6/2020, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2006 và thấp hơn 31% so với mức cao nhất của năm 2020 (là 69,59 USD/tấn, đạt được giữa tháng 1/2020).
Giá than cốc giao dịch trên sàn Singapore kết thúc ngày 29/6/2020 giá 111,43 USD/tấn, không cách xa mấy so với mức thấp 106 USD/tấn của ngày 1/6/2020 - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016.
Than Indonesia - chất lượng thấp hơn, có hàm lượng năng lượng 4.200 kilocalories/kilogram) trong tuần kết thúc vào ngày 26/6 là 23,89 USD/tấn, thấp nhất kể từ khi Argus bắt đầu công bố giá than - tháng 8/2008.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá than các loại trên thị trường thế giới giảm khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu do Ấn Độ và Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu than.
Mặc dù kinh tế khu vực Châu Á có thể bắt đầu hồi phục, song những thay đổi về cơ cấu loại năng lượng ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể khiến xu hướng giảm giá và nhu cầu than sẽ còn kéo dài.
Hồng Nga