Lá dong Tràng Cát là sản phẩm truyền thống của làng, của xã |
Những ngày cận Tết Nguyên đán Qúy Mão, có mặt tại thôn Tràng Cát, không khí Tết đã bao chùm khắp các con đường, ngõ xóm đến các thửa ruộng trồng lá dong. Tiếng còi xe tải ỉnh ỏi nối tiếp nhau vào “ăn lá dong” từ tờ mờ sáng. Người cắt lá, người buộc lạt, người ôm lá dấn nước, người chọn phân loại lá to đẹp để riêng rồi bó thành bó... Không khí thu hoạch nhộn nhịp của người dân nơi đây chính là nét đặc trưng báo hiệu Tết Nguyên đán đang đến gần.
Nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 30km, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong. Và cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm, làng lá dong nổi tiếng lâu đời tại Hà Nội lại tất bật thu hoạch lá dong phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết. Việc thu hoạch lá dong kéo dài từ ngày mùng 10/12 (Âm lịch) cho tới sát Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Sự ở xóm Bắc, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 sào lá dong, lá dong không giống như lúa có thể dùng máy cắt, đối với loại lá này, người trồng phải thu hái thủ công, vừa cắt vừa phân loại tàu lá to, nhỏ khác nhau. Hàng năm cứ đến mùng 10 tháng Chạp tôi phải thuê thêm 5 nhân công thu hoạch lá để kịp trả hàng cho khách. Ngày thường thuê đâu cũng được người, công cũng rẻ hơn khoảng 150 nghìn đồng/ ngày. Những ngày chính vụ thế này, công trả đến 250 nghìn đồng/ngày mà vẫn khó thuê”, ông Sự thở dài.
Ông Sự cho biết thêm, lá dong cho thu hoạch quanh năm, ngày thường gia đình ông cắt lá xấu, lá già bán cho những gia đình gói bánh chưng bán ở chợ, còn những lá đẹp để giành bán Tết. Lá dong bán Tết vì thế cũng được giá hơn ngày thường, ông thường bán 80.000 đồng/100 lá loại đẹp, lá nhỏ hơn thì 50.000 đồng/100 lá. “Năm nay gia đình tôi thu hoạch khoảng hơn 6 vạn lá, với giá bán như hiện nay, tôi có trên 40 triệu đồng nguyên vụ Tết”, ông Sự vui vẻ nói.
Sở dĩ lá dong Tràng Cát lại được ưa chuộng đến vậy suốt bao năm qua là do sự khác biệt với các loại lá dong rừng và lá dong vùng khác. Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá.
Bà Chyên cắt lá để phục vụ nhu cầu gói bánh dịp Tết |
Đôi bàn tay đang thoăn thoắt tỉa các lá dong, rồi xếp thành từng chồng cân đối, bà Ngô Thị Chuyên ở xóm Bãi, thôn Tràng Cát, xã Kim An, cho biết: “Tôi làm nghề cắt lá dong thuê đến nay đã tròn 30 năm, tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, người già có người trẻ có, người Nam, người Bắc đủ cả nhưng bà chưa thấy ai chê lá dong Tràng Cát”.
Bà Chuyên cho biết thêm, nhờ được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy, lá dong Tràng Cát có bầu lá rộng, mỏng nhưng dai, giúp bánh chưng có màu xanh tự nhiên, thơm rền rất khác biệt mà không nơi nào có.
Nét đặc trưng của lá dong Tràng Cát là khổ lá đều, chiều dài từ 40 - 60cm, chiều rộng từ 20 - 35cm. Đây là giống lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non rất dễ phân biệt với lá dong rừng. Đặc biệt, nơi đây có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, cộng thêm bầu không khí ôn hòa nên lá dong luôn xanh tốt, thơm rền.
“Ngày thường, 7h tôi mới bắt đầu tới ruộng cắt lá nhưng những ngày cao điểm Tết này tôi phải đi sớm hơn, 6h là có mặt ở ruộng rồi. Bình thường mỗi ngày cắt được 7.000 lá thì Tết chỉ cắt được 4.000 lá, bởi lẽ lá gói bánh chưng Tết yêu cầu cắt cuống dài nên lâu hơn”, bà Chuyên hồ hởi nói.
Thời điểm này, lá dong được người dân thu hoạch về chất kín ở sân. Dọc đường làng, xe đạp, xe máy, cả ô tô tải đỗ kín đường. Đó là những người dân tứ xứ đổ về Tràng Cát mua lá dong để bán lại trên khắp các chợ trong cả nước.
Theo các bậc cao niên trong làng, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ ngày mới lập làng, đến nay đã ngót 600 năm. Trước kia, lá dong của Tràng Cát còn được tuyển chọn để đem gói bánh chưng tiến vua. Hiện nay, 100% dân Tràng Cát đều trồng lá dong, dù ít dù nhiều.
Bà Mai Thị Vũ ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: “Từ khi sinh ra, tôi đã thấy làng trồng lá dong rồi, nhà nào trong làng cũng có vườn lá dong xanh mướt. Trồng lá dong ở đây rất đơn giản lại dễ sống, chỉ tách ở một khóm to trồng cách ra chỗ khác là cứ thế lá dong xanh tốt, đâm trồi mọc thành khóm to khác”.
Nông dân thôn Tràng Cát ra đồng thu hoạch lá dong |
Ông Đỗ Hùng Cường – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Kim An (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Lá dong Tràng Cát là sản phẩm truyền thống của làng, của xã. Ở làng Tràng Cát 100% hộ trồng lá dong, hộ nhiều thì trồng cả mẫu. hộ ít thì trồng một miếng nhỏ để dùng trong gia đình.
Lá dong Tràng Cát chủ yếu trồng ở đất vườn, diện tích toàn xã để trồng lá dong khoảng hơn 30 héc ta. Điểm đặc trưng của lá dong Tràng Cát là có màu xanh tươi, cuống lá xanh vàng sáng chứ nó không xanh đen, xanh sẫm như là lá dong ở các nơi khác. Lá dong ở đây dẻo, lá bầm tàu chứ không dài như lá dong rừng, tàu lá dễ gói bánh, bánh ăn rất ngon, thơm. Chỉ cần nhìn bề ngoài là có thể dễ dàng phân biệt được đâu là lá dong của làng Tràng Cát và đâu là lá dong rừng.”
Theo ông Cường, lá dong Tràng Cát không những được bán ra nhằm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành khác trong nước mà còn được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài như Liên bang Nga hay Malaysia…
Lá dong được xem là linh hồn của làng Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và với mỗi người dân làng Tràng Cát, loại lá này đã trở thành biểu tượng và thương hiệu, niềm tự hào mỗi khi nhắc về quê hương. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trên những mâm cỗ cúng gia tiên ở mỗi gia đình Việt không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Lá dong Tràng Cát góp phần gìn giữ hương vị độc đáo của bánh chưng xanh, “hồn cốt” ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.