Theo đó 4 tổ chức xã hội bao gồm: Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) đã cùng ký tên vào Thư kiến nghị về việc “Đảm bảo thực hiện tốt hoạt động ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã” gửi đến Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan.
Văn phòng Chính phủ đã 2 lần ban hành Công văn số 1744/VPCP- KGVX ngày 06/3/2020 và công văn số 2665/VPCP-NN ngày 06/4/2020 gửi Bộ NN&PTNN, Bộ TT-TT nhằm truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ nêu trên khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trình Thủ tướng. Đã hơn 3 tháng kể từ thời hạn mà Thủ tướng đưa ra cho các Bộ ngành nhưng vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về việc Chỉ thị được ban hành.
Thư kiến nghị về việc “Đảm bảo thực hiện tốt hoạt động ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã”.
Trước tình hình này, trong thư kiến nghị của mình, các chuyên gia từ 4 tổ chức xã hội đã đưa ra một số nội dung kiến nghị cụ thể tới cơ quan chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD, cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan.
Thứ nhất, cần tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong công tác bảo vệ ĐVHD cũng như ngăn chặn, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại đến ĐVHD. Trong đó các Bộ ngành đặc biệt liên quan đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ hai, căn cứ xây dựng chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD cần được dựa trên đánh giá khách quan liên quan đến tác động đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Thứ ba, đảm bảo thực thi nghiêm ngặt chế tài xử phạt hành vi mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Với kiến nghị này, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương cần phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành rà soát các địa bàn tiêu thụ ĐVHD trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Viện Kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, buộc tội và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Vấn đề mà 4 tổ chức xã hội nói trên đang quan tâm cũng chính là mối lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội như đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Trương Minh Hoàng, đại biểu Nguyễn Huy Thái,… trong Kỳ họp Quốc hội thứ 9 Khoá 14 vừa qua.
Chia sẻ quan điểm về thư kiến nghị, chuyên gia pháp lý Đặng Đình Bách - Giám đốc LPSD cho biết để đưa ra được nội dung của Thư kiến nghị, các chuyên gia đã rà soát hết sức chi tiết theo chuyên môn của mình về mối liên hệ giữa ĐVHD với sức khoẻ con người.
Cho đến hiện tại, COVID-19 đã lan rộng toàn cầu khiến hơn 10 triệu người nhiễm và hơn 500 nghìn người thiệt mạng, trong khi dịch bệnh này được nghi ngờ bắt nguồn từ ĐVHD thì Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã công bố “70% dịch bệnh trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật, trong đó 70% là ĐVHD”.
Hồng Nga