Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 919/QĐ-TTg). Theo đó, Chương trình OCOP giai đoạn này được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, và ủng hộ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, chương trình OCOP tại quận Hà Đông đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế.
Kết thúc năm 2020 quận có 23 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó có 13 sản phẩm 4 sao, và 10 sản phẩm 3 sao, góp phần gia tăng giá trị và quảng bá sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng đã tạo ra sân chơi lớn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng.
Gian hàng bán sản phẩm OCOP quận Hà Đông. |
Theo ông Nguyễn Hữu Thanh – Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đa dạng về chủng loại, mang nét đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương và đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP.
Nhận thức được tầm quan trọng của đầu ra cho các sản phẩm OCOP, UBND quận đã chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng 4 địa điểm trên địa bàn là điểm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm OCOP, gồm các địa điểm tại: HTX Vụn Art, cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, cơ sở Xuân Cường Handicraft, và cửa hàng rau an toàn tại chợ Hà Đông.
Phối hợp Sở Công Thương khai trương địa điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (số 176 Quang Trung, Hà Đông).
Chia sẻ về những kết quả đạt được của Chương trình OCOP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết, thời gian qua các địa phương rất tích cực nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm OCOP, các chủ thể cũng đã ý thức được ý nghĩa của việc sản phẩm được cấp sao. Đây là tiền đề quan trọng để quận Hà Đông tiếp tục phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, quận Hà Đông đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 60 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Phấn đấu có 2/3 làng nghề được UBND thành phố công nhận, đã và đang phát triển, có chủ thể tham gia Chương trình OCOP. 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình OCOP; tỷ lệ lao động qua bồi dưỡng, tập huấn được cấp chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 25%.
Phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham giữa chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả. Bên cạnh đó, quận sẽ rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng 01 Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn quận.
UBND quận Hà Đông đề ra 8 nhóm giải pháp chính để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, trong đó yêu cầu các đơn vị, các phường cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; phối hợp với các sở, ngành của thành phố phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP; chủ động tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm mớisản phẩm chế biến và chế biến sâu, sản phẩm làng nghề truyền thống…
Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP; tham gia hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Tham gia hội nghị đánh giá, sơ kết, tổng kết và các buổi trao đổi kinh nghiệm thực tế triển khai Chương trình OCOP do thành phố Hà Nội tổ chức.
Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả mong đợi, UBND quận Hà Đông kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của chương trình OCOP.