Khám phá Lạng Sơn - Nơi giao thoa văn hóa vùng biên giới đặc sắc Top 8 đặc sản ngon nhất nên thử khi đến Lạng Sơn Bốn món ngon xứ Lạng nổi danh trong Top đặc sản Việt Nam |
Khâu nhục – Đặc sản nức tiếng xứ Lạng |
Khâu nhục là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng. Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Được người Tày, Nùng biến tấu món ăn phù hợp với khẩu vị vùng miền. Trải qua thời gian, khâu nhục trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng như đãi khách đám cưới, lễ tiệc… của đồng bào dân tộc nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở sản xuất khâu nhục tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) chia sẻ, để cho ra đời được một bát khâu nhục thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn nhưng trước tiên phải chọn loại thịt ba chỉ lợn ngon, có đủ vừa nạc vừa mỡ miếng thịt không quá dày. Công đoạn khó nhất là chiên chao, phải làm sao cho phần bì thật giòn, không cháy nhưng vẫn giữ được phần thịt bên trong không chín quá. Trung bình 1 tháng gia đình tôi bán được 600 đến 700 bát khâu nhục, dịp lễ tết có thể lên tới 2.000 bát.
Sau khi chọn được thịt lợn, tiếp đến là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu để làm nên món khâu nhục gồm có: Húng lìu, ngũ vị hương, giấm, muối, hạt tiêu, nấm hương, quả mác mật khô… Phần rau củ thì không thể thiếu cây tàu soi (một loại rau cải muối mặn đặc trưng của bà con dân tộc Tày, Nùng). Cây tàu soi được ngâm nước khoảng 30 phút để nhả bớt vị mặn, sau đó để ráo nước, đem rửa sạch, cắt khúc khoảng 3 cm.
Nguyên liệu làm món khâu nhục |
Thịt ba chỉ sau khi mua về rửa sạch, để nguyên miếng có trọng lượng khoảng 6 kg đến 7 kg cho vào luộc qua nước sôi khoảng 30 phút để loại bỏ chất bẩn, giúp miếng thị săn chắc hơn. Sau khi luộc, thịt được vớt ra để ráo và tiến hành công đoạn “châm thịt” với dụng cụ có đầu nhọn như dĩa, xiên tre, tăm nhọn… châm đều phần bì nhưng không châm sâu đến lớp mỡ phía dưới, để miếng thịt giữ được độ giòn và dễ ngấm gia vị hơn.
Sau đó thịt được đem chao ngập dầu từ 10 đến 15 phút. Khi thấy phần bì chuyển màu nâu cánh gián đẹp mắt là có thể vớt ra và cho vào ngâm nước khoảng 30 phút, việc ngâm trở lại nước giúp miếng thịt mềm hơn. Khi thịt còn ấm, người làm sẽ dùng dao thật sắc thái thịt thành từng miếng dày khoảng 2 cm, dài từ 10 – 15 cm.
Thái thịt đều tay |
Tiếp đến, xếp khoảng 6 đến 8 miếng thịt sao cho phần bì áp chặt vào đáy bát đựng canh. Cuối cùng rưới thêm hỗn hợp nước sốt theo công thức “bí truyền” của từng gia đình và xếp tàu soi ở cuối cùng trước khi dùng màng bọc thực phẩm bao kín lại. Đặt bát khâu nhục vào nồi hấp cách thủy với lửa liu riu khoảng 3 đến 5 tiếng.
Khâu nhục từ lâu không chỉ đơn giản là một món ăn phổ biến hằng ngày của người dân, mà còn là món ăn bắt buộc có trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, ma chay… thể hiện một phần văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho báo chí biết: Khâu nhục hay còn được là nằm khâu. Cái tên khâu nhục xuất phát từ tiếng Trung Quốc đánh vần lại bằng tiếng Việt, có thể hiểu nôm na là thị hấp cho đến khi mềm. Trong tháng 8 vừa qua, khâu nhục Lạng Sơn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chọn vào tốp 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Đó không chỉ là sự tự hào mà còn giúp người dân Lạng Sơn khẳng định nền ẩm thực của mình trong lòng người dân cả nước.
Sau khi hoàn thành, khâu nhục được cho ra đĩa sâu lòng. Cách bài trí đúng chuẩn là đặt chiếc đĩa lên miệng bát rồi úp ngược lại. Thao tác phải thật nhẹ nhàng, đôi tay khéo léo lật úp để món ăn có tạo hình đẹp mắt và nước thị không bị rơi ra ngoài.
Theo quan niệm của dân gian, khâu nhục là món ăn dân dã nhưng mang ý nghĩa tinh thần to lớn, cách bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai. Món ăn này trải qua nhiều công đoạn chế biến kỳ công, phức tạp nên được đa số thực khách khi thưởng thức đều thấy trân quý công sức của người làm.
Để cho ra đời được một bát khâu nhục thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn |
Hiện nay, hầu hết ở các chợ trung tâm thuộc các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đều có bán món khâu nhục. Giá của khâu nhục đang được bán khoảng từ 130 đến 200 nghìn đồng/bát có trọng lượng từ 900g đến 1,2 kg/bát tùy vào từng thời điểm.
Khâu nhục Lạng Sơn đang là món ăn thu hút được nhiều thực khách trên mọi miền đất nước, ai đã từng thưởng thức đều rất ấn tượng.
Đây là món ăn rất thích hợp vào những ngày đông khi trời se se lạnh hoặc rét đậm. Nếu có cơ hội đến với Lạng Sơn. Bạn sẽ thấy món Khâu nhục có mặt tại hầu như tất cả các nhà hàng, quán ăn. Và là món quà hấp dẫn không thể chối từ dành cho mỗi du khách khi ghé đến nơi đây.
Bạn có thể ăn khâu nhục với bánh mì, cơm trắng nóng dẻo. Cuộn chung với rau sống đều vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Hoặc có thể thêm vào một ít xì dầu, chút dấm, ớt tươi để tạo thêm hương vị cay nồng, đậm đà hơn cho món ăn này.
Tìm đầu ra cho đặc sản na Chi Lăng - Lạng Sơn |
Top 8 đặc sản ngon nhất nên thử khi đến Lạng Sơn |
Bốn món ngon xứ Lạng nổi danh trong Top đặc sản Việt Nam |