Món cá khoai của nhà nghèo nay thành đặc sản đắt đỏ nơi thành phố Măng loi thứ đặc sản hiếm có của xứ Nghệ Lá é đặc sản, vừa làm thuốc vừa là món khoái khẩu của người mê lẩu |
Về xứ Lạng, vốn nổi tiếng bởi những món ngon được xếp vào hàng đặc sản. |
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) vừa ban hành Quyết định số 37/KLVN-TOP/2022 về việc xác lập Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh/thành phố Việt Nam (lần V năm 2021 - 2022), trong Hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.
Trong đó, Lạng Sơn có 4 sản phẩm là lợn quay lá mắc mật Lạng Sơn và khâu nhục (thịt kho rục) được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; thạch đen Tràng Định và rượu Mẫu Sơn được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Những sản phẩm này của Lạng Sơn sẽ được công bố, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Top Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu, trên các kênh truyền thông thuộc hệ thống Kỷ lục Việt Nam.
Đây không chỉ là niềm tự hào đối với đặc sản của tỉnh Lạng Sơn mà còn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Lợn quay lá mắc mật đậm nét đặc trưng của Xứ Lạng
Lạng Sơn là tỉnh có nền văn hóa ẩm thực rất phong phú và đa dạng, trong đó, đặc biệt phải kể đến món lợn quay lá mắc mật. Đây được coi là món ăn truyền thống và mang đậm nét đặc trưng của Xứ Lạng.
Thịt lợn quay không chỉ đơn giản là một món ăn phổ biến hàng ngày của người dân, mà còn là lễ vật bắt buộc trong các dịp lễ hội, cưới xin, ma chay, thể hiện một phần văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Lợn quay lá mắc mật đậm nét đặc trưng của Xứ Lạng. |
So với các vùng miền khác, lợn quay Lạng Sơn có những hương vị đặc trưng riêng. Sau khi sơ chế xong, đầu bếp nhồi vào bụng lợn lá mắc mật bánh tẻ, một thứ lá rừng hay dùng ở dân tộc Tày và Nùng. Lợn được quay trên bếp than hoa đỏ lửa, để thịt chín vàng đều, người làm sẽ quét dầu và mật ong rừng pha giấm lên mình lợn. Khi lợn chín tới, dùng vải thấm nước lã lau qua mình lợn quay rồi quạt lửa thật mạnh để cho bì lợn phồng lên. Khi ăn bì giòn, thịt dai, có vị rất đặc trưng quyện với mùi thơm của lá mắc mật.
Theo quan niệm dân gian, lợn quay là vật có ngoại hình tròn trịa, tượng trưng cho tài phú, phúc khí. Hiện nay, hầu hết ở các chợ trung tâm thuộc các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đều có bán món lợn quay này.
Khâu nhục Lạng Sơn nhiều người mê
Là món ăn truyền thống của người dân xứ Lạng, khâu nhục luôn có trong những dịp lễ tết, đám hỏi hay các ngày quan trọng khác. Giờ món ăn này được bày bán khắp nơi, thu hút người thành phố mua ăn thử.
Khâu nhục là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng. Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Được người Tày, Nùng biến tấu món ăn phù hợp với khẩu vị vùng miền. Trải qua thời gian, khâu nhục trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng như đãi khách đám cưới, lễ tiệc… của đồng bào dân tộc nơi đây.
Khâu nhục từ lâu không chỉ đơn giản là một món ăn phổ biến hằng ngày của người dân, mà còn là món ăn bắt buộc có trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, ma chay… thể hiện một phần văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.
Khâu nhục được làm từ thịt ba chỉ châm bì, sau đó rán giòn rồi ướp gia vị và hấp chín mềm. |
Rượu Mẫu Sơn đặc sản của người Dao
- Rượu Mẫu Sơn là loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1.000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm.
Không ai có thể phủ nhận được chất lượng của thứ đặc sản tuyệt vời này của Lạng Sơn khi đã có cơ hội thưởng thức nó. Rượu mẫu sơn đỉnh từ nhiều thế hệ, bằng công thức độc đáo và sự kết hợp nhuần nhuyễn trong các công đoạn nấu rượu. Sản phẩm luôn nổi tiếng thơm ngon, rượu trong vắt như nước suối, không tạo mùi men nồng như các loại rượu thông thường.
Rượu có vị đậm đà, uống rất dịu, dễ uống bởi nó không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị thơm dịu đặc trưng của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng. Chỉ cần một lần được thưởng thức đặc sản Lạng Sơn này thì sẽ không thể nào quên.
Rượu Mẫu Sơn là nét văn hóa độc đáo của Lạng Sơn. |
Thạch đen Tràng Định mát lành
Lạng Sơn là tỉnh trồng nhiều cây thạch đen nhất cả nước. Món thạch đen được chế biến từ cây thạch đen có hương vị mát lành, thơm ngon, không chỉ được người dân Xứ Lạng mà còn nhiều du khách ưa thích khi mùa hè đến.
Trên địa bàn Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng nhiều ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng... và được thu hái vào hai thời điểm là vụ xuân (tháng 2 - 3), vụ thu (tháng 7 - 8). Sau khi thu hái, cây thạch đen được phơi khô và bảo quản để có thể dùng trong năm.
Thạch đen Lạng Sơn hướng đến xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường Châu Âu. |
Từ xa xưa, thạch đen đã được đồng bào các dân tộc Xứ Lạng nấu và sử dụng tại gia đình như một món ăn vặt quen thuộc. Sau này, một số gia đình có truyền thống nấu thạch lâu năm vẫn duy trì và bày bán tại chợ khi mùa hè đến.
Hiện nay, quy trình sản xuất thạch đen đã được cải tiến với sự hỗ trợ của một số loại máy móc, thiết bị nhằm tiết kiệm thời gian và công sức của người làm thạch. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn phục vụ việc mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thạch đen xứ Lạng.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giá trị các đặc sản nổi tiếng của tỉnh, nhất là 4 đặc sản lọt Top nêu trên gắn với các hoạt động văn hóa, xúc tiến du lịch và các sự kiện, lễ kỷ niệm quan trọng của tỉnh trong thời gian tới./.