Sự tích cái tên Sìu Châu gắn với mảnh đất Thành Nam
Nhiều nơi giải thích rằng, kẹo lạc ở Nam Định do những người Hoa từ Triều Châu tới phổ biến cách làm và được gọi là kẹo Sìu Châu, là một trong những thứ kẹo lạc được nhiều người ưa thích nhất, từ người lớn đến trẻ em.
Nhưng theo nhiều người, món kẹo Sìu Châu nức tiếng Thành Nam là một sáng tạo của người dân Thành Nam. Cái tên Sìu Châu của chiếc kẹo lạc là do sự ảnh hưởng của cửa hàng kẹo lạc nổi tiếng của Thành Nam xưa được mở tại gần/đối diện đền Triều Châu (Thiều Châu) ngay bến Ngự thuộc sông Vị Hoàng xưa. Đây là ngôi đền cổ của người Hoa kiều, trước ở huyện Triều Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang sinh cơ, lập nghiệp ở đất Sơn Nam Hạ.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 19, hiệu kẹo lạc này đã nổi tiếng khắp thành Nam. Khi cửa hàng chưa có tên gọi, người ta thường gọi mộc mạc cho tiện nhớ là hiệu kẹo ngon trước đền Triều Châu. Dần dần, người ta gọi giản tiện là kẹo Triều Châu, rồi đọc chệch thành kẹo Sìu Châu, gọi tắt là kẹo Sìu.
Dù khó xác định đâu mới là nguồn gốc thực sự của chiếc kẹo lạc này, nhưng cái tên đó đã đi theo chiếc kẹo cho đến ngày nay, để mỗi khi ai thưởng thức chiếc kẹo lạc, lại nhớ đến Sìu Châu Nam Định.
Quá trình hình thành nên chiếc kẹo nức tiếng xa gần
Nguyên liệu làm kẹo được tuyển chọn vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Yếu tố ngon và sạch được đặt lên hàng đầu. Trong đó gồm có lạc, vừng, đường mía, gạo nếp cái hoa vàng, mộng mạ lúa chiêm làm mạch nha.
Lạc phải được rửa qua nước sôi trôi đi hết bụi bẩn, rồi để khô, ráo nước mới cho vào rang. Sau đó để nguội tách vỏ, bỏ nhân đắng bên trong. Còn vừng phải chọn vừng miền Trung ngâm nước loại bỏ vỏ. Sau đó phơi khô trước khi rang. Lưu ý rang vừng trong vòng 15 phút/mẻ với lửa nhỏ từ từ đến lớn.
Những viên lạc được chọn kỹ, rang chín thấu, giòn thơm nấu với đường chõ hoặc đường phèn quyện với mạch nha chế từ gạo nếp hương và mộng mạ. Mỗi thanh kẹo được bao trong vỏ bột nếp hương vừa có tác dụng chống ẩm, vừa để ủ cho kẹo lên hương.
Để nấu được kẹo Sìu Châu, người thợ cần có đôi tay tinh tế, phải “dẻo tay” để giữ nhiệt độ ổn định của bếp và khó nhất là biết ước lượng tỷ lệ đường, lạc, mạch nha phù hợp với mỗi mẻ nấu. Kẹo nấu trong thời gian ngắn, thao tác nhanh nên người thợ kinh nghiệm phải nắm được bí quyết hoán đường đến độ nào thì mới cho đường, mạch nha vào.
Khi cho mạch nha vào, phải theo đúng tỉ lệ làm mạch kết cấu thành kẹo. Nấu xong để ra ngoài, cho lạc, vừng đảo lên rồi đổ ra bàn, cầm bàn lăn cho đều rồi lấy dao cắt thành từng miếng một.
Sự tài tình của người làm kẹo Sìu Châu là ở chiếc mũi tinh tế để nhận ra được mùi thơm khi nước mạch nha quánh thành kẹo. Mỗi thanh kẹo xù xì quăn queo được bao bọc trong vỏ bột nếp hương có tác dụng vừa chống ẩm, vừa ủ cho kẹo lên hương.
Món quà có lịch sử lâu đời của vùng đất Thành Nam
Nghề làm kẹo lạc ở Nam Định đã có từ lâu. Có lẽ trước khi các thứ bonbon hay candy của Tây du nhập vào thì các cụ nhà ta chỉ có mấy thứ kẹo cơ bản: Kẹo cứng, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo bột, kẹo mạch nha… Thông dụng hơn cả chắc hẳn là kẹo lạc. Kẹo được cán thành từng tấm phẳng rồi cắt ra từng thanh nhỏ, vừa thanh mảnh, vừa tiện dụng, vừa dễ mang, vừa dễ cất để, nó lại không quá bình dân như kẹo bột. Kẹo lạc thì người nghèo cũng có thể mua ăn mà đem làm quà biếu thì người giàu mấy cũng không chê. Uống với nước chè nóng và cảm nhận sự giòn tan ngọt ngào kết hợp giữa lạc và mạch nha thì không gì thú bằng.
Bí quyết của kẹo Sìu không có gì ghê gớm, nó hầu như chỉ mang tính gia truyền. Lạc chọn kỹ, nấu với mạch nha, chảo “đồng điếu”, cắt thành miếng khi còn đang nóng, bọc bằng bột nếp, ủ cho lên hương. Những thanh kẹo được cắt ngắn, dường như chỉ vừa hai miếng cắn, không mấy mịn màng, thậm chí còn hơi cùn quằn nữa, bám đầy một lớp bột trắng ngà, ăn vào là cứ thấy nó giòn tan mà lại rất dễ nhai; cái thơm bùi của lạc hoà quyện với cái ngọt đậm đà đượm hương của mạch nha, đường kính, bột nếp... Người ta hay nói đến ưu điểm dễ nhận thấy của kẹo Sìu Châu là khi ăn không hề dính răng; cái hương của nó là một thứ hương thầm, rất kín đáo và tinh khiết. Ai đã từng biết đến cái ngon của kẹo Sìu Châu thì sẽ nhớ mãi không quên.
Món quà Nam Định dành tặng khách thập phương
Không chỉ người dân Nam Định mà du khách mọi miền đất nước, và cả những người xa quê hương đều biết đến hương vị mộc mạc, thanh tao của thức quà quê dân dã - Kẹo lạc Sìu Châu. Mới đây, cùng với món Bún đũa và Phở bò Nam Định, kẹo Sìu Châu được xếp vào 100 đặc sản và quà tặng 2020-2021 dành cho những món ngon, sản vật đáo của Việt Nam.
Kẹo Sìu Châu còn món quà biếu tặng tuyệt vời cho bà con phương xa và khách đến chơi nhà. Ngày nay có rất nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập trông rất đẹp mắt nhưng người Việt mình vào dịp đặc biệt trong nhà vẫn phải có những thức quà truyền thống trong đó có kẹo lạc Sìu Châu. Ngoài ra, kẹo lạc Sìu Châu còn được dùng làm quà biếu cho khách quý và gửi ra nước ngoài cho người thân được thưởng thức hương vị quê hương.
Kẹo Sìu Châu thường được dùng cùng nước chè |
Theo ông Lê Tân, Thư ký Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, thương hiệu kẹo lạc Sìu Châu sẽ được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch ẩm thực nếu biết cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt hơn. Hiện nay, ở dọc các tuyến phố ở Nam Định như Nguyễn Du, Trường Chinh, Minh Khai có rất nhiều cơ sở sản xuất kẹo Sìu với các thương hiệu khác nhau. Giá bán kẹo Sìu rất hợp lý, thường dao động ở mức từ 50 đến 200 nghìn đồng một hộp.