Đồng chí Phạm Văn Hoạch - Trưởng phòng kinh tế huyện Ứng Hòa phát biểu tại Hội nghị. |
Được biết, từ năm 2019 đến nay, huyện Ứng Hòa có 44 sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng TP công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao (gồm sản phẩm Gạo Japonica giống nhật JO2 (gạo chất lượng Khu Cháy) – HTX SXKDNN Đoàn Kết; sản phẩm Bưởi diễn – HTXNN Hòa Xá; sản phẩm Nụ Trầm Từ Bi Hương, Nụ Trám Từ Bi Hương, Nụ Quế Từ Bi Hương, Hương vòng – HKD Nguyễn Thu Phương, xã Quảng Phú Cầu; sản phẩm Đàn tì bà gỗ hương khảm trai, Đàn bầu gỗ mun khảm trai, Đàn nguyệt gỗ mun khảm trai, Đàn tranh gỗ mun khảm trai, Đàn nhị gỗ hương, Đàn đáy gỗ hương, Đàn tam gỗ hương của HKD sản xuất nhạc cụ Cường Anh, xã Đông Lỗ) và 31 sản phẩm 03 sao.
Sau khi được Thành phố công nhận, các sản phẩm khác có tốc độ tiêu thụ tăng bình quân đạt 30% so với trước khi được công nhận. Đặc biệt với sự quan tâm của UBND Thành phố, các chủ thể trên địa bàn huyện thường xuyên được tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài thành phố từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đi các tỉnh thành cả nước.
Cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh của một số sản phẩm đã thúc đẩy kinh tế của người sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương.
Để đạt được kết quả như trên UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường công tác tuyên truyền như tổ chức tập huấn trên 200 lượt cán bộ, người sản xuất, chủ trang trại, hợp tác xã về nội dung chương trình OCOP, thực hiện hỗ trợ chủ thể tư vấn hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện, hỗ trợ xây dựng thí điểm 02 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện. Ngoài ra các chủ thể còn được UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ 50% kinh phí tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ xây dựng mẫu mã bao bì, nhãn mác, tem sản phẩm (mỗi sản phẩm được hỗ trợ 2.000 tem).
Quá trình triển khai chương trình OCOP thời gian qua cho thấy, các xã, thị trấn rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để huyện Ứng Hòa tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Toàn cảnh hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP huyện Ứng Hòa năm 2023. |
Năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa phấn đấu có trên 20 sản phẩm mới được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, 2 sản phẩm được đánh giá, phân hạng lại với một số sản phẩm như: dao thép, kéo thép, giày da, dép da, đông trùng hạ thảo, mật ong lên men, chè ướp bông sen, các sản phẩm chế biến từ thịt như chả, giò....
Trưởng phòng kinh tế huyện Ứng Hòa - Phạm Văn Hoạch cho biết: Để thực hiện tốt được chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt đến cấp, ngành, cán bộ và Nhân dân để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra, trước mắt tập trung chỉ đạo đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu có trên địa bàn huyện.
Tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về: Đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP; tuyên truyền cơ sở tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.
Trong tháng 7 vừa qua, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức thành công chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết Du lịch Hà Nội năm 2023" tại huyện Ứng Hòa nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Ứng Hòa nói riêng, của thành phố Hà Nội nói chung và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một gian hàng tại Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 tổ chức tại huyện Ứng Hòa |
Với quy mô 120 gian hàng của 108 doanh nghiệp và gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống của huyện Ứng Hòa, của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng rất nhiều nội dung, hoạt động phong phú để người dân trải nghiệm, dùng thử và tham gia.
Chương trình là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô nói chung và của huyện Ứng Hòa nói riêng, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ứng Hòa và các tỉnh thành.
Huyện Ứng Hòa nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, được sự ưu ái của thiên nhiên để phát triển nông nghiệp. Nhận thức rõ điều này, Huyện uỷ, UBND huyện Ứng Hoà đã và đang chỉ đạo xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 18.818ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 13.418ha (chiếm 71% diện tích đất tự nhiên). Sản lượng, chất lượng nông sản hàng năm của huyện càng ngày càng cao. Huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, huyện Ứng Hòa đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đó để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; Nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; Trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu... |