Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Phạm Quí Tiên - Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố và nhiều lãnh đạo các xã tại huyện Thạch Thất.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng do UBND huyện Thạch Thất tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu và thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn… của Huyện đạt được trong thời gian qua, đồng thời quảng bá, giới thiệu các làng nghề truyền thống, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP được chứng nhận của huyện đến với người dân và thiết thực chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và của Huyện trong năm 2023.
![]() |
Hoạt động nghệ thuật tại lễ khai mạc Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023. |
Báo cáo kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội trên địa bàn huyện Thạch Thất, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Huyện hiện có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, Mộc - may Hữu Bằng; Mây tre giang đan Bình Phú; Bánh chè lam Thạch Xá; Chè kho Đại Đồng; Mộc Chàng Sơn, Canh Nậu; Dị Nậu; Làm nhà gỗ cổ truyền xã Hương Ngải……
Tại triển lãm sẽ có hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, hơn 2000 sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các tỉnh thành trong cả nước và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện của Thành phố, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường để trưng bày, giới thiệu đến nhân dân và khách tham quan, kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hoá.
![]() |
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng phát biểu tại buổi lễ. |
Trải qua các thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, huyện Thạch Thất vinh dự có 11 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý; 3 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều đổi thay. Trước khi hợp nhất, toàn huyện có diện tích 13.183ha với 20 đơn vị hành chính; dân số 164.886 người; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,6 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, huyện Thạch Thất có thêm 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình chuyển từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đến nay, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 18.459ha với 23 đơn vị hành chính cấp xã; đảng bộ huyện có 74 tổ chức cơ sở Đảng với 9.165 đảng viên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất đạt được nhiều kết quả. Năm 2013, xã Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2018, huyện có 100% số xã đạt xã nông thôn mới và năm 2020, huyện Thạch Thất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Không dừng ở kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, Thạch Thất đã có 1 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91 triệu đồng/người/năm - là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao tốp đầu khối huyện trên địa bàn thành phố.
![]() |
Nhiều cây cảnh đẹp, giá trị cao hội tụ tại Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023. |
Huyện Thạch Thất phấn đấu hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt hơn 35.913 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 100 triệu đồng; có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm: Triển lãm sẽ tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà: Nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học và nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023 diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 16 – 26/6/2023).
Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023 cũng là cơ hội gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất của các nghệ nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống; các hợp tác xã, các nhà vườn, trang trại tiêu biểu của huyện và các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực đến người tiêu dùng; nhằm tạo động lực tích cực để xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Qua đó, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu, tăng thu ngân sách cho địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. |