Cơ hội cho ngành thép Việt xuất khẩu sang EU
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt hơn 815.000 tấn với kim ngạch 454 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng xuất khẩu trên tăng tới 47% về lượng và tăng 24% về giá trị.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, đạt khoảng 494.000 tấn, giá trị 263 triệu USD, chiếm 60% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 3,18%.
Mặc dù số liệu về xuất khẩu của ngành thép khả quan hơn rất nhiều so với năm 2019, song tỷ lệ xuất khẩu sang riêng khối EU đã giảm hơn 1/2 so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Việt Nam vẫn chỉ tập trung ở một số thị trường truyền thống, như: ASEAN, Hoa Kỳ... và thị trường trong nước. Vì vậy, cơ hội của ngành thép Việt để xuất khẩu sang thị trường EU là rất lớn.
Thêm vào đó, trong bối cảnh cạnh tranh, dịch bệnh từ đầu năm tới nay tại các nước châu Âu cũng khiến cho khu vực này bị đình trệ, thị trường xuất khẩu hẹp lại. Xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng khiến cho việc mở rộng thị trường cũng rất khó khăn.
“Hi vọng rằng, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, với những ưu đãi về thuế quan sẽ là một thị trường lớn cho doanh nghiệp tôn thép nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đẩy mạnh xuất khẩu. Cơ hội sẽ là rất lớn nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không mới là điều quan trọng”, ông Sưa nói.
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), mặc dù các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có lợi cho Việt Nam, nhưng nếu không biết cách tận dụng thì các doanh nghiệp vẫn không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Vì thế, bản thân các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi FTA qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.
Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và kỹ thuật đã cam kết; nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).
Lợi ích thấy rõ nhưng để tận dụng được cơ hội mở ra ngay khi Hiệp định có hiệu lực, không ít quan điểm cho rằng, việc chuẩn bị, trước hết là khâu hoàn thiện thể chế, tuyên truyền mạnh mẽ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp… cần được chú trọng.
Để có thể hoá giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, một số chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giải pháp quan trọng là tăng cường nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.
Ngày 8/6, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chính thức nhấn nút biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo đó, có 457/457 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết và đã tán thành, với tỷ lệ đạt 100%, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Minh Kiệt