Bạn có biết lợi ích sức khỏe hấp dẫn của hạt Chia? Điểm danh các loại hạt dinh dưỡng tốt cho sức khỏe Ăn gì tốt cho tim mạch? |
Hạt chia được mệnh danh là “nguồn cung cấp siêu dinh dưỡng”, tuy nhiên không phải ai cũng biết hết tác dụng cũng như cách sử dụng loại hạt này sao cho tốt nhất với sức khoẻ . Bài viết dưới đậy sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại hạt này.
Đặc điểm của hạt chia
Hạt chia là một loại thảo mộc mọc hàng năm cao tới 1,75m (5 feet 9 inch). Chia có các lá mọc đối dài 4 – 8cm và rộng 3 - 5cm. Hoa của hạt chia có màu tím hoặc trắng và được tạo thành nhiều cụm trong một cành ở cuối mỗi thân cây.
Thông thường, hạt chia có hình bầu dục nhỏ, nhẵn bóng với đường kính 1 mm (1⁄32 inch). Hạt chia có màu lông tơ, với nâu, xám, đen và trắng. Hạt chia rất ưa nước, khi ngâm nước sẽ hấp thụ lượng nước gấp 12 lần trọng lượng của chúng. Trong khi ngâm, hạt chia sẽ phát triển một lớp bao nhầy tạo cho đồ uống làm từ hạt chia một kết cấu sền sệt đặc biệt.
Hình ảnh cây hạt chia |
Việc trồng hạt chia cần đất sét nhẹ đến trung bình hoặc đất pha cát. Cây hạt chia ưa đất thoát nước tốt, màu mỡ vừa phải, nhưng có thể chống chọi với đất chua và khô hạn vừa phải. Hạt chia khi gieo hạt cần độ ẩm để tạo cây con, trong khi cây hạt chia trưởng thành không chịu được đất ẩm ướt trong quá trình sinh trưởng.
Cây hạt chia là cây được trồng hai vụ trong năm. Hạt chia có màu xám nhạt hay màu trắng, có một hương vị khá trung hòa. Hạt chia cũng có màu nâu hoặc màu đen, tất cả đều tốt cho sức khoẻ. Có thể xay nhuyễn hạt chia để kết hợp chung với thức ăn nấu hay rắc vào thức ăn. Hạt chia giống như dạng chất nhầy chất keo. Dưới dạng khô, hạt chia ít dòn khi cắn.
Thành phần hoá học của hạt chia
Hạt Chia có khoảng 15 - 24% protein, 26 - 41% carbohydrate và 25 - 40% chất béo. Các nghiên cứu về hạt chia chỉ rằng: Trong hạt chia có gần 55 - 60% axit linolenic (ω-3), 18 - 20% axit linoleic (ω-6), 6% không bão hòa đơn ω-9 và 10% chất béo bão hòa.
Tác dụng của hạt chia
Cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: Hạt Chia có khoảng 15 - 24% protein, 26 - 41% carbohydrate và 25 - 40% chất béo. Mặt khác, hạt có chất dinh dưỡng dễ hòa tan và không hòa tan, chất xơ chiếm hơn 35% tổng trọng lượng, và nó là một nguồn giàu vitamin B và khoáng chất.
Hạt chia cũng chứa nhiều hơn 6 lần canxi, gấp 11 lần phốt pho và gấp 4 lần kali so với 100 g sữa, bên cạnh việc sở hữu magiê, sắt, kẽm và đồng. Hạt chia không chứa gluten, nên những người bị bệnh celiac có thể sử dụng loại hạt này.
Hình ảnh minh hoạ về hạt chia |
Chống oxy hoá: Các chất chống oxy hoá trong hạt chia có tác dụng ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình oxi hoá chất khác. Ngoài ra, các thành phần trong hạt chia còn được biết đến với tác dụng làm giảm các phản ứng viêm trong cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa ung thư.
Giúp giảm cân: Với hàm lượng chất sơ và protein cao có trong hạt chia, đây là thành phần quan trọng giúp giảm cân hiệu quả với sức khoẻ con người. Nhiều chuyên gia sức khỏe tin rằng hạt chia có thể hỗ trợ giảm cân, do chúng nở ra và lấp đầy trong dạ dày vì thế làm giảm cảm giác đói. Ngoài ra, chất xơ glucomannan trong hạt chia với cơ chế hoạt động tương tự giúp ích cho quá trình giảm cân. Cùng với hàm lượng protein cao trong hạt chia cũng góp phần làm giảm cảm giác thèm ăn. Các nhà khoa học khuyến khích nên ăn hạt chia kết hợp với các chất dinh dưỡng khác, cùng với một lối sống lành mạnh sẽ rất tốt cho quá trình giảm cân.
Hạt chia giúp nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Vì hạt chia rất giàu chất xơ, protein và omega-3 nên chúng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nghiên cứu thử nghiệm đã cho thấy hạt chia làm giảm các yếu tố nguy cơ bao gồm bao gồm triglyceride, giảm viêm, kháng insulin và mỡ bụng. Chúng cũng có thể tăng cholesterol tốt HDL trong cơ thể. Một số nghiên cứu cũng chứng minh hạt chia giúp làm giảm huyết áp ở bệnh nhân mắc huyết áp cao. Tuy nhiên vẫn cần phải kết hợp với một chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh thì mới đem tới hiệu quả làm giảm nguy cơ tim mạch.
Hạt chia giúp làm khoẻ xương: Hạt chia cung cấp nhiều chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, do chứa hàm lượng canxi, photpho, magie và protein. Lượng canxi trong 28 gram hạt chia đáp ứng 18% liều canxi được khuyến nghị hàng ngày, thậm chí cao hơn cả sữa.
Hạt chia làm giảm đường trong máu: Người già thường có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2 do insulin trong cơ thể mất tác dụng trong việc giúp chuyển hóa tinh bột thành đường. Đường máu cao trước khi ăn hay sau khi ăn đều gây ra ảnh hưởng không tốt với sức khỏe. Hạt chia đã được chứng minh là giúp tăng độ nhạy của insulin, giảm lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn bánh mì có rắc thêm hạt chia thì có tác dụng tốt trong việc giảm lượng đường trong máu so với việc ăn bánh mì thông thường.
Hình ảnh minh hoạ về hạt chia dùng kết hợp với bánh |
Giúp giảm viêm mãn tính: Hạt chia đã được chứng minh là có tác dụng giảm các phản ứng viêm trong cơ thể vì thế tốt cho sức khỏe nói chung, và đặc biệt tốt trong việc phòng và chăm sóc bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp và ung thư. Bên cạnh việc sử dụng hạt chia thì lối sống lành mạnh kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp phòng tránh rất nhiều bệnh mãn tính.
Cách sử dụng hạt chia
Hạt chia có vị hơi bùi bùi và trung tính. Có thể sử dụng hạt chia như một món gia vị để thêm vào thức ăn hàng ngày. Khác với hạt lanh, hạt chia không cần phải nghiền nhỏ vẫn có thể sử dụng được.
Hạt chia có thể ăn sống được và có thể ngâm trong nước trái cây, thêm vào cháo, thêm vào món bánh pudding, bánh mì, sinh tố hoặc các món nướng. Bạn cũng có thể rắc hạt chia lên trên ngũ cốc, sữa chua, rau hoặc các món cơm. Vì khả năng hấp thụ cả nước và chất béo, chúng cũng có thể được trộn với nước và biến thành gel. Vì vậy hạt chia có thể được sử dụng để làm đặc nước sốt hoặc làm chất thay thế trứng trong các công thức nấu ăn.
Hình ảnh minh hoạ về hạt chia sử dụng kết hợp với rau, quả |
Lưu ý khi sử dụng hạt chia
Theo tiến sĩ Jimmy Louie Chun-yu (khoa "Khoa học Sinh học" của Đại học Hồng Kông), có 4 nhóm người nên hạn chế sử dụng hạt chia như sau:
Bệnh nhân từng sử dụng chất làm loãng máu: Nên hạn chế dùng hạt chia vì trong thành phần có chứa chất làm ức chế khả năng máu đóng cục, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, không phù hợp cho người bệnh huyết áp thấp.
Người bị đột quỵ: Cần đặc biệt lưu ý khi ăn hạt chia vì thực phẩm này giàu axit béo omega-3, có tác dụng phụ là làm loãng máu.
Người dị ứng với hạt vàng, bạc hà hoặc mù tạt: Những người bị dị ứng với các loại hạt trên, không nên tiêu thụ hạt chia vì có thể gây dị ứng, ảnh hưởng đến cơ thể.
Người bị rối loạn tiêu hóa: Người có tiền sử bị mắc bệnh rối loạn tiêu hoá chỉ nên tiêu thụ một lượng hạt chia vừa phải. Bởi hạt chia chứa hàm lượng chất xơ lớn, có khả năng gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như dạ dày, táo bón, tiêu chảy và đầy hơi.
Hi vọng với những thông tin về hạt chia mà Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cung cấp phần nào đã giúp bạn đọc hiểu rõ về công dụng của hạt chia cũng như một số lưu ý để có thể sử dụng loại hạt này đúng cách, bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cho cơ thể.