Tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông
ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn.
Nêu các kết quả chính về hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN, Tổng cục Hải quan cho hay, trước hết về danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) - đây là Danh mục hàng hóa ở cấp độ 8 chữ số được Hải quan các nước ASEAN sử dụng, được xây dựng dựa trên Danh mục HS của WCO. Hiện nay, các nước ASEAN đã triển khai thực hiện Danh mục AHTN phiên bản 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) tháng 4/2024 tại Lào |
Việt Nam cũng đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện phiên bản AHTN 2022, cụ thể là ban hành Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam vào tháng 12/2022.
Về Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) - hệ thống quản lý quá cảnh hải quan được tự động hóa việc thực hiện các thủ tục hải quan đối với việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua biên giới trong ASEAN bằng phương tiện đường bộ, thông qua một thủ tục hải quan chung, ACTS cho phép doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tự do qua các quốc gia thành viên ASEAN.
ACTS bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 30/11/2020, với 6 nước thành viên tham gia gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tính đến ngày 31/1/2024, đã có 190 lô hàng quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống ACTS chủ yếu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia.
Với vai trò là nước thành viên, Việt Nam đã triển khai sáng kiến ACTS cùng các nước ASEAN theo đúng tiến độ chung. Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, trong đó có vai trò của Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và các ngân hàng thương mại trong vấn đề cung cấp bảo lãnh.
"Giao dịch bảo lãnh quá cảnh đầu tiên qua hệ thống ACTS tại thị trường Việt Nam đã được thực hiện thành công vào tháng 2/2024 qua Chi cục Hải quan Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh" - đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Đáng chú ý, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA) đã được toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN thông qua, ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023.
Đây là một trong những sáng kiến nổi bật của ASEAN nhằm hướng đến mục tiêu củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung trong tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia. Thỏa thuận này không mang tính ràng buộc về pháp lý, việc thực hiện Thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào tình hình của từng nước theo lộ trình thống nhất.
Hải quan Việt Nam đã thông qua và ký kết Thỏa thuận AAMRA vào tháng 2/2023. Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước để chuyển sang giai đoạn thực hiện thí điểm theo lộ trình chung của ASEAN.
Triển khai nhiều chương trình sáng kiến hợp tác, trong đấu tranh chống buôn lậu
Trong thời gian qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch “Con rồng Mêkông”.
Đây là một sáng kiến về hoạt động chống buôn lậu do Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam đồng khởi xướng với sự hỗ trợ điều phối của Văn phòng tình báo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WCO-RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (giữa) cùng các lãnh đạo Hải quan, Thuế tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) tháng 4/2024 tại Lào. |
Chiến dịch đánh dấu điểm nhấn của Hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác trong các vấn đề tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu.
Chiến dịch được vận hành dưới cơ chế chia sẻ thông tin nghiệp vụ tình báo hải quan (thông tin nóng và thông tin bắt giữ) thông qua việc sử dụng công cụ bảo mật thông tin của Tổ chức Hải quan thế giới - CENCOmm và hệ thống đầu mối liên lạc được chỉ định. Hải quan Việt Nam đóng vai trò là thành viên của nhóm điều phối (OCU) trong toàn bộ Chiến dịch.
Chiến dịch là một chuỗi hoạt động chung của Hải quan tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương được bắt đầu từ năm 2018 và đến tháng 11/2023 đã tiến hành được 5 giai đoạn (mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 5 tháng).
Giai đoạn thứ 5 gần nhất, có sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. "Tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch được các thành viên báo cáo qua 05 giai đoạn là 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu giữ gồm: 55.200 kg (55,2 tấn ma túy), 108.000 kg (108 tấn) tiền chất, 157.000 kg (157 tấn) gỗ và 4.479 sản phẩm từ động, thực vật hoang dã" - Tổng cục Hải quan thông tin.
Qua 5 giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 5 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên.
Riêng trong Chiến dịch giai đoạn V, Hải quan Việt Nam và các đơn vị phối hợp đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã. Tháng 4/2024 vừa qua, Hải quan Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị khởi động Chiến dịch “Con rồng Mêkông” giai đoạn VI tại Việt Nam.
Theo cơ chế luân phiên, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 trong năm 2024.
Hội nghị ADGCM là cơ chế họp thường niên và luân phiên của cơ quan Hải quan các nước trong khu vực ASEAN. Hội nghị là diễn đàn để các Lãnh đạo của Hải quan các nước thành viên thảo luận và đưa ra các quyết định, chỉ đạo và định hướng các hoạt động liên quan đến các biện pháp hội nhập hải quan trong đó tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ về tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát hải quan và xây dựng năng lực hải quan.