![]() |
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hoá. |
Thực hiện đường lối đối ngoại “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại và các hoạt động đối ngoại. Qua đó đã góp phần quan trọng quảng bá thông tin về vùng đất, con người và sự phát triển của Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời huy động các nguồn cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa hiện đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Năng lực xuất khẩu hàng hóa cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Những giải pháp, cách thức mà Thanh Hóa thực hiện đã và đang chứng minh có hiệu quả tích cực trong nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trước nhiều biến động.
Được biết: “Để nâng cao năng lực về hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp, hàng năm, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế và triển khai các quy định của pháp luật liên quan. Sở thường xuyên phối hợp với các cục, vụ trực thuộc Bộ Công Thương phổ biến thông tin về thị trường, các biện pháp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại tại các nước mà Việt Nam tham gia FTA, FTAs nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, nhiều khóa tập huấn đã được tổ chức theo hướng chuyên sâu về các FTAs mới như EVFTA, CPTPP, RCEP, UKVFTA; kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các thương vụ của Việt Nam đang phụ trách tại các nước nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường và tìm kiếm cơ hội, tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”.
Theo rà soát của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 304 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang 68 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trên 50 chủng loại hàng hóa. Nhiều thị trường lớn, yêu cầu cao, tiềm năng lớn đang tiếp tục có những tín hiệu triển vọng. Điển hình như năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Thanh Hóa vào Hoa Kỳ đạt 755 triệu USD, Trung Quốc đạt 684 triệu USD, Hàn Quốc đạt 378 triệu USD, Nhật Bản đạt 325 triệu USD... Các thị trường quan trọng này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh đạt tới 6 tỷ USD và là động lực chính cho mục tiêu đạt 8 tỷ USD trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt, tận dụng tốt các FTAs để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường, xây dựng mối liên hệ với các quốc gia đã ký kết hiệp định, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế. Đến nay, toàn tỉnh có 111 doanh nghiệp Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 101 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA); 24 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA); 303 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu đối với thị trường các nước ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục định hướng thu hút các nguồn vốn nước ngoài chất lượng, hướng tới các tập đoàn đa quốc gia; lãnh đạo tỉnh đã tổ chức tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã tổ chức các chương trình xúc tiến hiệu quả tới các nước, vùng lãnh thổ: Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Australia và New Zealand.
Sau các chuyến đi thăm và làm việc, các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trên thế giới quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa ngày càng nhiều. Quan hệ giữa tỉnh Thanh Hóa với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn ngày càng được củng cố, mở rộng. Vị thế và uy tín của tỉnh trong việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được nâng lên. Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông và trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút du khách; tăng cường các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa...
Thông qua hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được thêm hơn 50 dự án FDI. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 171 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,78 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 173 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 15,02 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước. Trong năm 2024, toàn tỉnh đón được 719.600 lượt khách quốc tế, tăng 16,7% so với cùng kỳ; đồng thời tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển” của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong đó đáng chú ý là kinh tế duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%).
Theo Ban hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo chương trình xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa, công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp, phòng vệ thương mại, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại... sẽ được ban chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc chú trọng. Cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác đối ngoại đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè quốc tế. Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại địa phương, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ chuyển đổi số sẽ được quan tâm để tăng khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thanh Hóa cũng sẽ tích cực tổ chức hiệu quả các hoạt động thuộc chương trình đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh trong năm 2025 theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư lớn do các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư vào tỉnh. Trong đó, chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu và các quốc gia phát triển.